Trong nhà, Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1993) đầu vẹo sang một bên, cố nhấc cánh tay trái lòng khòng vẫy vẫy, miệng ú ớ "Chào bố". Ông Kiên quay đầu lại, nở nụ cười tươi trước khi lên xe đến một hội nghị để chơi nhạc.
Ở tuổi 62, ông Nguyễn Văn Kiên (khu Nhân Cầu 2, thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà, Thái Bình) vẫn thường đi đánh đàn tại các hội nghị, đình đám để kiếm thêm thu nhập. Về hưu được vài năm, lương tháng 4,5 triệu, cộng với chu cấp của vợ cũ và tiền hỗ trợ khuyết tật của con gái, với ông thế là đủ tiêu. Ông bảo, tiền làm thêm để tiết kiệm cho con đi viện, mỗi năm cũng mất hơn chục triệu.
Liên ngay từ lúc sinh ra đã bị sặc nước ối, ngạt thở rồi sốt cao. Hơn 4 tháng đi viện, bác sĩ kết luận cô bé bị bại não, không thể phục hồi. Đưa về nhà, đêm nào Liên cũng khóc ngằn ngặt, người mềm như bún. Trông con vất vả, vợ chồng ông Kiên mâu thuẫn. Năm con 3 tuổi, họ ly hôn, vợ ông không nhận nuôi con.
Đêm trước khi ra tòa, nhìn đứa con gái 3 tuổi mà như trẻ sơ sinh vặn vẹo một chỗ trên giường, ông Kiên ứa nước mắt. "Khổ quá con ơi. Giờ ở với bố là đàn ông, con lại thiệt thòi đủ đường. Nhưng con là cục máu của bố, làm sao bỏ cho đành", ông bế Liên lên, nói thì thầm đủ cho mình nghe.
Tiền lương cán bộ văn hóa huyện không đủ để thuê người trông, ông Kiên đưa con đến một trường mầm non. Hàng ngày, khi đi làm về, ông tất bật cơm nước, tắm rửa, đút cho con ăn.
Liên lên 7, trường mầm non không nhận trông giúp vì hết tuổi, ông thuê người đến trông giúp. Con 10 tuổi, không biết gửi cho ai, ông để con ở nhà tự chăm sóc. Ngày đầu tiên, ông để Liên vào xe lăn, khóa chặt bánh rồi ra ngoài sân quan sát. Một tiếng rồi 3 tiếng trôi qua, Liên vẫn ngồi nguyên vị trí, mệt thì ngủ, không ngã xuống đất. Những hôm sau ông tiếp tục quan sát như vậy, con vẫn an toàn. Thế rồi ông mạnh dạn để con một mình ở nhà, khóa trái cửa đi làm, thỉnh thoảng đáo qua nhà để xem con ra sao.
"Về nhìn thấy con ngồi ngoan vừa mừng vừa tủi. Mừng là con không bị ngã, tủi là cháu cứ ngồi đó, mắt nhìn trơ trơ đợi bố về. Nhiều lần Liên không tự chủ được, vệ sinh tại chỗ, về ú ở chỉ cho bố mà thương quá, chẳng biết làm sao", ông hồi tưởng.
Ông Kiên chỉ mong sức khỏe tốt để có đủ thời gian chăm sóc con gái. Ảnh: Hải Hiền. |
Năm nào ông Kiên cũng đưa con gái lên Hà Nội vật lý trị liệu mong con có thể cử động được tay chân. Có những năm do phòng bệnh quá đông, bố con ông phải ngủ đêm dưới gầm cầu thang, mưa gió tạt, ông lại thức cả đêm che chắn. Thời đó bệnh viện chưa có thang máy, phòng điều trị của Liên lại ở tầng 4 nên mỗi khi đi mua đồ ăn, ông đều đẩy xe lăn xuống. Ông bảo, cả ngày phải trị liệu, nên đến giờ ăn cho con gái xuống sân để hóng mát, hít khí trời. "Nhọc nhất là mỗi lần đẩy ngược xe lên, nhiều lần hai bố con suýt lao dốc ngã".
Dần dần, Liên bắt đầu bập bẹ và cánh tay trái nắm được đồ vật. Hy vọng con có thể đi lại được càng thôi thúc người cha kiên trì trị liệu. Hàng ngày ông Kiên nắn bóp tay chân, xốc con lên để tập đi, nhưng nhiều năm qua đôi bàn chân và cánh tay phải của Liên vẫn bất động.
Năm Liên 15 tuổi, một lần đi làm về, khi đầu tóc còn mướt mồ hôi, ông Kiên bỗng nghe thấy tiếng gọi "Bố ơi".
"Tôi nhìn trước nhìn sau xem tiếng nói phát ra từ đâu. Đến khi thấy môi con mấp máy, tôi mới biết đó là Liên gọi. Tôi lại gần bảo: Con gọi lần nữa nào. Liên lại cười: 'Bố ơi'. Sướng quá nên tôi cười rất to, xong lại thấy nước mắt ứa ra, chẳng biết do cười hay khóc", ông Kiên chia sẻ.
Từ hôm đó ông kiên trì học nói với con từng ngày. Dần dần Liên nói được những câu dài có nghĩa, dù không tròn âm.
Sau 5 năm học nói, ông Kiên bắt đầu dạy con nhận mặt chữ. Giờ cô gái 26 tuổi nhớ được số điện thoại của bố, thậm chí lên mạng xã hội kết bạn với nhiều người.
Hàng sáng, ông Kiên đều đẩy xe cho Liên đi dạo quanh khu ông ở. Ảnh: Hải Hiền. |
Con thiếu hụt đủ đường, nhưng ông Kiên vẫn hài lòng, bởi thiếu hụt đó không đáng sợ bằng cảm giác suýt mất con năm nào.
Năm 2012, Liên ho kéo dài, chân và bụng phình chướng, nhập viện tỉnh được chẩn đoán suy cầu thận, suy tim, bệnh viện trả về. Thương con, ông Kiên xin chuyển lên tuyến trên. Ở đây, các bác sĩ cũng khuyên đưa về lo hậu sự.
"Trên xe cấp cứu, con mê man nhưng vẫn nắm chặt tay tôi. Làm sao tôi có thể bỏ con được khi cháu vẫn còn thở. Tôi đã đi cầu cứu bác sĩ, xin nhận con gái tôi ở lại, dù còn một hơi thở tôi cũng không bỏ cuộc".
Lúc bác sĩ nhận chữa tiếp, người đàn ông gày gò vỡ òa cảm xúc. "Bác sĩ nhận là vẫn còn cơ hội sống", ông nhớ lại.
Hơn một tháng tại viện, hầu như đêm nào ông cũng thức trắng chăm con. Đêm đầu tiên khi tỉnh dậy, thấy bố ngủ gật trên ghế, Liên đưa bàn tay trái đập đập lên thành giường. Thấy động, ông Kiên choàng tỉnh. Nghe con gái thều thào: "Bố ơi, bố đi ngủ đi", nước mắt ông ứa ra bởi ông biết con gái đã được cứu.
26 năm qua, mọi sinh hoạt của Liên đều gắn với bố, kể cả khi cô bắt đầu dậy thì, có những thay đổi sinh lý. Nhìn những cô gái bằng tuổi con có váy đẹp, dép xinh, ông cũng ra chợ mua về. "Con cũng có quyền được làm đẹp", ông nói với Liên.
Thấy bố vất vả, Liên thường động viên bố lấy vợ nhưng ông đều im lặng. Ông bảo cũng có tìm hiểu vài mối nhưng chỉ gặp được đôi lần rồi thôi.
"Mỗi khi đi gặp người ta về, cả đêm tôi lại nằm nghĩ. Liệu họ có thương cái Liên như con đẻ mình không. Nó đã thiệt thòi thế rồi, chẳng may lại có bà mẹ kế không ra gì thì cháu nó khổ quá", ông nghĩ vậy rồi tặc lưỡi bỏ qua. Lâu dần mỗi năm thêm tuổi, ông Kiên chẳng nghĩ tới việc đi bước nữa.
Hoàng hôn buông, Liên ngồi giữa sân, đưa bàn tay trái lành lặn hứng lấy những giọt nắng cuối ngày rồi toét miệng cười. Ngồi bên cạnh, ông Kiên đang cặm cụi bóp chân cho con, thấy Liên vui, cơ mặt ông giãn ra, bất chợt ông ngân nga câu hát mới nghe được trên đài: "Bỗng thấy yêu đời quá, yêu ngày xanh nắng vàng. Bỗng thấy yêu thời gian, hạnh phúc đến nhẹ nhàng", rộn ràng một góc sân.
Theo Hải Hiền/VnExpress