Chàng trai người Mông được sinh ra để mang những tấm lòng đến với vùng cao

Tâm huyết vì đồng bào khó khăn

Theo đuổi tình nguyện ngay khi bước chân lên giảng đường đại học, Sùng A Cá cùng những người bạn của mình đã thực hiện chuyến đi đến nhiều nơi thiếu thốn ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, mang cho họ những món quà ý nghĩa.

Với niềm tự hào người con dân tộc Mông, Cá cùng nhiều bạn trẻ khác lập ra câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, mục đích lớn nhất là đem sức trẻ để thiện nguyện, giúp đỡ đồng bào khó khăn.

Sùng A Cá sinh năm 1997, cậu tham gia tổ chức nhiều chuyến đi tình nguyện vùng cao cùng các thành viên câu lạc bộ. Ảnh: BTC

Gặp Cá vào một buổi chiều Hà Nội lạnh giá, cậu đứng lọt thỏm trong gần 50 bao tải bắp cải đã được chuyển xuống vỉa hè đầu 76 Duy Tân (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội). Nói gì đó với cậu bạn làm việc cùng, Cá đến chỗ tôi nở một nụ cười tươi rói.

Ở thời tiết 18 độ lạnh lẽo, vậy mà mồ hôi lại thẫm ướt đẫm chiếc áo xanh tình nguyện của Cá. Vừa chào tôi, cậu vừa cầm vạt áo lau mặt. Hỏi ra mới biết, số bắp cải này được chuyển xuống từ Hà Giang để tiêu thụ giúp đồng bào, đồng thời gây quỹ cho chuyến đi Hà Giang sắp tới.

Chẳng ngại khó ngại khổ, Cá đến với những vùng khó khăn để san sẻ yêu thương. Ảnh: BTC

Không phải ngẫu nhiên mà chàng sinh viên năm 3, ngành Công tác xã hội Học viện Báo chí và Tuyên truyền này được gọi là “chàng trai của những chuyến đi vùng cao”. Sinh ra ở vùng đất Văn Chấn, Yên Bái, Sùng A Cá hiểu hơn ai hết những khó khăn mà đồng bào miền núi phải đối mặt. “Quê mình thiếu thốn rất nhiều, thiếu quần áo ấm, thiếu điều kiện đi học”, Cá tâm sự.

Kể về những chuyến đi, Cá không nén nổi sự sục sôi từ trong ánh mắt. “Mình đi nhiều chương trình, chỉ cần nghĩ đến khuôn mặt mong chờ của đồng bào vùng cao, mọi mệt mỏi đều như tan biến hết. Mù Cang Chải là chuyến đi nhớ nhất vì về quê hương, mình tự hào vì mọi người trân trọng những người đi học, quý mến mình”.

Sùng A Cá có thân hình khá nhỏ bé. Chàng sinh viên cao 1m60, làn da sạm đen đi vì cái nắng, cái gió, nhưng đôi mắt lúc nào cũng sáng đến lạ kì. Không chỉ có nhiệt huyết với công tác tình nguyện, chuyên môn của cậu cũng khiến những người khác phải nể phục.

Phụ trách toàn bộ mảng truyền thông cho các hoạt động của câu lạc bộ, từ viết bài đến thiết kế, Sùng A Cá luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Lầu Bá Chùa, thành viên câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội, chia sẻ: “Quen Cá từ những ngày đầu lên đại học, Cá là người vui tính, tiếp xúc không áp lực, nhưng trong công việc vô cùng nghiêm túc, luôn nghĩ cho lợi ích của câu lạc bộ, của thành viên”.

Sùng A Cá tranh thủ trao đổi công việc với Chùa trong lúc bán bắp. Ảnh: Tô Băng

Về những chuyến đi tình nguyện mùa đông, Sùng A Cá cười hiền, nói với tôi rằng với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt thì quà không bao giờ là đủ. Bà con trên núi họ cần những thứ mà dưới này nghĩ không cần dùng đến nữa. “Ở những nơi mình đến, lạnh thấu xương luôn, một đêm cả đội chỉ nằm sưởi lửa không thể ngủ được” - Cá tâm sự.

“Khó khăn nhiều vậy, có bao giờ Cá muốn dừng lại không?”, tôi tò mò hỏi. Cậu nhìn tôi gật đầu nhưng rồi lại lắc đầu: “Thực ra nhiều lúc mình muốn bỏ cuộc rồi, không phải vì sợ khổ, mà vì không cân bằng được cuộc sống. Nhưng may mà mình có bạn bè động viên. Tinh thần đồng đội là ngọn lửa không thể tắt trong mỗi chuyến đi, là động lực để cố gắng, nó ấm cúng như một gia đình vậy”.

Những chuyến đi trao đến các em những món quà thiết thực và ý nghĩa nhất như cặp sách, áo ấm. Ảnh: BTC

“Khi nhìn những em bé không có đủ áo ấm để mặc, cơm ăn không đủ no, khuôn mặt lấm lem nứt nẻ, đen nhẻm, mình cảm thấy như một người anh vô dụng. Chưa giúp gì được cho các em, cảm xúc như có gì đó cắt ngang qua trái tim của mình. Mình vừa đau vừa xót mà lại vừa bất lực” - nói đến đây, Cá cúi đầu, hai tay đan chặt vào nhau đặt trên đầu gối. Hỏi về gia đình, chàng sinh viên trẻ trầm ngâm giây lát rồi thở dài.

Khát vọng mang tri thức thay đổi quê hương

Sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông ở Yên Bái, dưới Cá còn có một em trai và một em gái. Trải qua một tuổi thơ hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, thế nhưng rồi bố mẹ cậu cũng ly hôn. Bố Cá có cho mình một gia đình riêng. “May mắn là họ vẫn yêu thương mình, mình vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi ngoài kia cơ mà” - Cá chia sẻ.

Dường như không điều gì có thể làm tắt đi nụ cười sáng rực của chàng trai người Mông Sùng A Cá. Ảnh: Tô Băng

Sùng A Cá tự nhận mình là một đứa con trai bất hiếu khi đã không nghe theo lời của mẹ mình. Bởi nguyện vọng của mẹ muốn cậu nghỉ học ngay khi xong chương trình phổ thông, đi làm phụ giúp gia đình. Những dự định của cậu về tương lại cũng không được gia đình ủng hộ. Nhưng với khát khao cháy bỏng thay đổi cuộc đời, cậu âm thầm tự nộp hồ sơ thi đại học. Bây giờ khi đã là sinh viên năm 3, cái ý niệm muốn cậu nghỉ học dường như vẫn thường trực trong tiềm thức của mẹ.

“Bây giờ mình bất hiếu với bố mẹ, không theo ý bố mẹ nhưng nếu mình đi học, những người đi sau mình sẽ được tạo tiền đề để phát triển” - Cá nói. Không hề có trong tiềm thức trách cứ sự phản đối của cha mẹ, Cá hiểu rằng mẹ không biết quá nhiều về văn hóa phổ thông nên hơi khó để có thể hiểu và phát triển bản thân.

“Mình muốn mang văn hóa của quê hương mình đi chia sẻ ở những thành phố lớn, muốn sau này khi quay lại sẽ dùng những kiến thức đã học được tuyên truyền, để quê hương mình ai cũng được đi học đại học”, cậu nhìn tôi khẳng định chắc nịch.

Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội hầu hết đều do cậu tự trang trải, thu nhập từ những lần đi chạy xe grab và học bổng tại trường. Nói về những đứa em của mình, cậu nói cậu quý em gái nhất, còn thương em trai vô cùng. Em trai Sùng A Cá năm ngoái học hết lớp 9 thì phát hiện bị bệnh, phải nghỉ học ra Hà Nội chữa trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Cá có nước da đen sạm đi, thân hình nhỏ bé. Tô Băng

“Cá có hay về quê không?”. Cậu lắc đầu. Bởi lẽ mỗi năm chắc chỉ có đôi lần cậu về quê, nhiều khi có việc gấp ở nhà, Cá về rồi lại ra Hà Nội luôn trong ngày. “Có lần mình đi Lào Cai, sáng tỉnh dậy đột nhiên nhớ đến mẹ, người ít khi gọi điện cho mình. Nhìn cảnh sông núi chưa bao giờ thấy nhớ nhà đến thế. Quê mình thì mình chưa về mà cứ lang thang khắp nơi. Thú thật là mình còn khóc nữa, không biết khóc vì quá nhớ nhà hay vì gì nữa”, cậu cười trừ.

Nguyễn Thanh Bình, sinh viên năm cuối Học viện Nông nghiệp, nói với tôi: “Biết nhau từ lúc nhỏ, sau cùng nhau làm việc trong cộng đồng tình nguyện Việt Nam. Cá hiền lành, làm việc tận tâm. Thằng bé này còn rất có chí tiến thủ và tinh phần phấn đấu cao trong công việc và học tập nữa”.

Tôi chào tạm biệt Sùng A Cá, cái bắt tay chặt và ấm của cậu như một lời thầm khẳng định của Cá, rằng cậu sẽ tiếp tục cùng đồng đội đem hi vọng, đem tình yêu đến những số phận chưa được may mắn. Câu nói trước khi chia tay của Sùng A Cá như thổi vào trong tâm hồn tôi một định nghĩa sống đẹp mới, rằng: “Không cần ta phải hơn ai, chỉ cần ta hơn mình của ngày hôm qua. Hãy sống chứ đừng tồn tại. Sống cho mình, sống cho người và sống cho đời”.

Tô Băng

Báo Gia đìnhXã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất