Ngồi ăn sáng ở quán đầu ngõ, gặp chị hàng xóm xách cà-mèn mua thức ăn, tôi mời. Chị nói phải về cho thằng con ăn sáng kịp giờ đi học. Nó ăn lâu lắm. Tôi để ý thấy chị mua hai phần hủ tíu, còn dặn chủ quán lấy thêm một phần bánh và cho nhiều nước lèo. Mấy lần trước, dù mua hủ tíu, phở hay bún riêu, chị cũng chỉ mua hai phần như thế, dù nhà có ba người. Tôi biết, phần bánh thêm và nước lèo dư kia sẽ là của chị. Mà, nhà chị nào phải nghèo khó gì cho cam.
Không dưng, chị làm tôi nhớ đến má. Má tôi cả đời chưa biết mùi vị của món ăn ở quán ra sao. Lúc nghèo khó không nói làm gì, khi chị em tôi đã đi làm, ba má đã có chút của để dành, má cũng chưa một lần ra quán ngồi ăn. Má nói đàn bà ngồi quán xá kỳ lắm, vả lại đồ ăn ở quán đắt đỏ, để má mua đồ về nấu, cả nhà cùng ăn mới vui. Thói quen đàn bà phải ăn trong xó bếp dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của má.
Để cả nhà vui, má phải tất bật suốt mấy tiếng trong bếp. Đến lúc ngồi vào mâm thì đứa này kêu thiếu chanh, đứa kia nói phải có muối ớt mới ngon… má phải chạy ra chạy vào phục vụ. Tôi thường tự trách lúc nhỏ khờ dại, chỉ biết đòi thứ này thứ kia làm khổ má. Giờ lớn khôn, muốn mời má đi ăn, muốn giành vai bếp chính với má cũng đâu có dễ.
Bao năm rồi, má có nếm được vị ngon thực sự của món ăn, hay chỉ đắng chát nhọc nhằn? Câu hỏi của tôi khiến má ngẩn ra. Mãi má mới nói, “ba và tụi con vui là má vui”. Tôi ngậm ngùi. Đó cũng là câu trả lời của má mỗi khi ba bực dọc gắt lên “bà cứ vậy hoài, tự đày mình chi cho khổ”. Nỗi áy náy của cha con tôi, bao năm rồi vẫn còn nguyên.
Nhớ lúc tôi lấy chồng, má dặn đi dặn lại, đàn bà phải biết dành dụm thu vén mới có của ăn của để. Quan trọng là không phụ lòng tin tay hòm chìa khóa của chồng. Nghĩ tới phải sống cuộc đời quẩn quanh trong xó bếp như má, tôi nổi cả da gà.
Ảnh minh họa. |
Tôi chợt nhớ đến chị đồng nghiệp, nhớ cảm giác áy náy mỗi khi chị nhặt giấy vụn trong sọt rác chỗ tôi ngồi. Chị thường giả lả “coi vậy chớ gom lại kiếm được bộn tiền đó em”. Tôi rất khâm phục chị, nhìn đâu cũng thấy cơ hội kiếm tiền. Không chỉ nhặt giấy vụn, vỏ chai ở cơ quan, chị còn mua đi bán lại từ bàn ghế, giường tủ, tới xe máy, nhà đất.
Có em nhân viên mới vào công ty, thấy chị mặc đồ sờn cũ, lại hay nhặt nhạnh thứ này thứ kia nên thường mua thức ăn mời chị, tặng chị mấy cái áo mới mặc vài lần… Đến lúc biết chị có hai căn nhà cho thuê, em ấy ngẩn ra, khâm phục chị sao mà… thần thánh quá. Tôi thường băn khoăn về sự lựa chọn của chị. Có thể chị nghĩ chồng con sẽ biết ơn, sẽ không quên những gì chị đã hy sinh. Nhưng liệu chồng con chị có hãnh diện về một người mẹ quá khắc khổ? Khi ăn miếng ngon liệu họ có chạnh lòng?
Đồng nghiệp thường khuyên chị phải biết thương thân, ép xác chi cho cực. Có đứa ác miệng nói chị cắc củm cho cố, chồng cho gái ăn không chừng. Câu đùa không ngờ là thật. Chồng chị có bồ nhí, còn mua cho cô ta căn nhà rất đẹp. Sau biến cố, chị ngã quỵ. Tôi đến thăm, chị nghẹn ngào: “Nhà con nhỏ đó không thiếu thứ gì em à. Hàng xóm kể, con chó nhà nó mỗi ngày ăn cả ký thịt bò. Còn chị, mua cái áo cũng không dám. Chị dại quá phải không em?”. Tôi không biết nói sao. Lòng dậy lên nỗi xót xa. Cả đống dây nhợ chị tự buộc lấy, giờ gỡ ra cũng không biết cách nào.
Đàn bà, yêu chồng thương con tới mù quáng, để những thứ vật chất tầm thường ràng buộc lấy mình, liệu có đáng không? Dè xẻn, không dám xài, tới lúc ngã bệnh, tới lúc chồng phủi tay ra đi, đàn bà còn lại gì, hay lại quặn lòng vì mình chưa được sống một ngày vui thật sự? Mà, cuộc đời thì ngắn lắm.