Dang rộng những vòng tay nhân ái

Ông Trần Tuấn Linh - Tổng Biên tập Báo GĐ&XH trao tiền cho cho bố bé Hứa Thị Như Phượng - MS 285

Mang đến “đôi chân” cùng niềm hạnh phúc

Tháng 12/2017, em Ngô Văn Vượng (SN 2003, ở thôn Cao Dương, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) phát hiện bị bệnh ung thư xương. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi bên chân phải của Vượng. Ngày ngày trôi qua, cuộc sống của Vượng phụ thuộc vào mẹ. Nhìn người thân vất vả vì mình, Vượng lúc nào cũng ước mong có được chân giả để tự đi lại chăm sóc bản thân, được đi học trở lại cùng các bạn.

Hoàn cảnh của Vượng sau đó được đăng tải trên chương trình Vòng tay nhân ái của Báo Gia đình & Xã hội với MS 380. Chỉ vài ngày sau đại diện Đại sứ quán Ấn Độ đã liên hệ với chương trình Vòng tay nhân ái với mong muốn lắp chân giả miễn phí cho Vượng. Ngày 12/7, Vượng đã được Đại sứ quán Ấn Độ bố trí xe đón lên Bệnh viện Hữu Nghị Lạc Việt (Vĩnh Phúc) để thực hiện đo, lắp chân giả. Sau thời gian ngắn tập luyện, Vượng đã có thể đứng vững trên chân giả và đi những bước ban đầu bình thường.

Mới đây, chúng tôi gặp lại Vượng trong lần em đi tái khám định kỳ tại bệnh viện K3 Tân Triều. Nhìn em hồng hào, đầy sức sống và luôn nở nụ cười trên môi mà những người làm nhân ái như chúng tôi thấy ấm lòng. Vượng nói: “Trước khi có sự hỗ trợ của chân giả, em đi lại nhờ vào gậy, nạng. Sau khi được hỗ trợ lắp chân giả, về nhà em thường xuyên tập. Phải rất khó khăn và nhiều ngày tập luyện em mới thích ứng được. Tuy vết thương chưa lành hẳn, rất đau nhưng em thấy sung sướng khi bước đi được như mọi người. Em đã tự đi lại được trên đôi chân giả ở quãng đường ngắn”.

Ngồi lặng lẽ bên cạnh con trai, chị Liên (mẹ Vượng) cũng thấy yên tâm. Quãng thời gian chứng kiến con đau đớn vì bệnh tật, đó như một cơn ác mộng trong tâm trí chị. Giờ đây, có được chân giả, chị thấy con trai tự tin hơn, chủ động làm những việc nhẹ nhàng cho bản thân. Một năm qua, không lúc nào chị không lo lắng cho số phận con trai, dẫu biết con sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi, đau đớn ngay cả khi nhìn thấy con có thể tập đi khi chân không còn lành lặn.

“Tết này con có thể giúp mẹ làm việc nhà dễ dàng hơn nhiều rồi. Con sẽ luôn cố gắng để bố mẹ không phải vất vả vì mình nhiều nữa” - câu nói ấy của Vượng khiến người mẹ nghèo như chị Liên được tiếp thêm sức mạnh dù môi cười mà nước mắt trào dâng.

Chung tay giúp bé ung thư xương

ông Nguyễn Chí Long - Phó Tổng Biên tập Báo GĐ&XH đã cùng CLB Bóng đá nghệ sĩ V- Stars tới Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) trao số tiền 33.105.000 đồng cho gia đình bé Lưu Thị Hồng Phương

Cũng mắc phải căn bệnh ung thư xương, bé Lưu Thị Hồng Phương (SN 2009, là con lớn của vợ chồng anh Lưu Hồng Thuần và chị Trương Thị Tươi ở xóm 1, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) còn mắc thêm căn bệnh tim bẩm sinh.

Bệnh tình trầm trọng, chi phí tốn kém trong khi hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn. Tài sản duy nhất của gia đình chỉ là vài sào ruộng cằn cỗi. Đồng lương ít ỏi từ công việc phụ hồ của anh Thuần không đủ mua thuốc cho con hàng tháng mà số nợ từ lần trước mổ tim gần 100 triệu đồng vẫn còn đó, khả năng vay thêm để bé Phương điều trị bệnh là không thể.

Trong lúc khó khăn nhất, gia đình bé Phương nhận được sự chia sẻ, động viên kịp thời của bạn đọc Báo Gia đình & Xã hội. Qua kết nối của chương trình Vòng tay nhân ái, cảm thương với hoàn cảnh của bé Phương, CLB Bóng đá nghệ sĩ V-Stars gồm nhiều gương mặt được đông đảo khán giả yêu mến như: Diễn viên Việt Anh, Mạnh Hà, Huy Trinh, Anh Tuấn, cựu danh thủ Phạm Như Thuần, cựu danh thủ Dương Hồng Sơn... đã quyết định tổ chức trận bóng đá gây quỹ từ thiện cho bé. Số tiền ủng hộ của các nghệ sĩ, cầu thủ… sau trận đấu cùng sự hỗ trợ từ bạn đọc hảo tâm gửi qua Báo đã giúp đỡ được phần nào cho gia đình bé Phượng.

Với những đứa trẻ mắc căn bệnh ung thư như Vượng, Hồng Phương… hành trình phía trước còn là một quãng đường dài. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm, các em có thêm nỗ lực từng ngày để vượt qua bệnh tật.

Tìm lại khuôn mặt cho người bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Đức - Phó Tổng biên tập Báo GĐ&XH trao quà cho một hoàn cảnh chương trình Vòng tay nân ái.

Từ khi chào đời, bé Tôn Nữ Hoàng Dung (SN 2015, trú tại thôn Diêm Tân, phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã không may bị dị tật. Khuôn mặt của bé khác với mọi người khi không có mũi, trán méo, mắt lồi và hai mắt cách quá xa nhau… Tuổi thơ với Dung là những chuỗi ngày lủi thủi ở nhà một mình với búp bê và chiếc ti vi mà không dám đến trường mẫu giáo.

Thương số phận của con, vợ chồng chị Hoàng Thùy Linh (mẹ bé Dung) đã tích cóp, vay mượn để đưa bé Dung đi khắp các bệnh viện trong nước với hy vọng giúp bé có khuôn mặt bình thường, một đôi mắt sáng như bao đứa trẻ khác. Nghe bác sỹ nói căn bệnh của bé khá phức tạp, vợ chồng chị Linh rất đau lòng, song càng khó khăn thêm bởi kinh tế. Mắt của Linh không thể nhắm - mở bình thường, nếu để lâu sẽ dẫn đến bị mù vĩnh viễn, trong khi các bệnh viện trong nước không có khả năng phẫu thuật vì nguy cơ biến chứng rất cao.

Khi ấy, mọi người khuyên gia đình đưa Linh ra nước ngoài phẫu thuật. Với chi phí hàng tỷ đồng, dự định ấy không biết bao giờ thực hiện được khi gia đình chỉ có thu nhập chính từ nghề làm nhôm kính của bố bé Dung. Tuy vậy, gia đình vẫn nỗ lực nuôi hy vọng chữa được đôi mắt và sửa lại gương mặt cho bé.

Sau khi câu chuyện của bé Dung được đăng tải trên chuyên mục Vòng tay nhân ái của Báo Gia đình & Xã hội với MS 419, rất nhiều bạn đọc, các tổ chức hảo tâm đã gọi điện chia sẻ, gửi tiền ủng hộ để cháu chữa bệnh. Thông qua Báo, bạn đọc trong và ngoài nước cũng đã quyên góp ủng hộ bé Dung. Cùng với đó, nhiều cá nhân, tổ chức khác khi biết về hoàn cảnh đáng thương của cháu bé cũng đã đứng ra kêu gọi hỗ trợ, gửi trực tiếp về gia đình. Nhờ vậy, phép màu đã đến với cô bé thiếu may mắn này.

Gia đình chị Linh nhanh chóng có đủ điều kiện đưa con sang Singapore chữa mắt. Ngày 20/11/2018, ca phẫu thuật đầu tiên của bé Dung thành công tốt đẹp sau 11 tiếng đồng hồ. Hai mắt của bé đã được kéo lại gần nhau hơn, đặt nằm ngang ngay ngắn, chỉ đôi lông mày vẫn ở xa gần thái dương.

Nhìn thấy gương mặt dần hoàn thiện của con, chị Linh vô cùng xúc động. Chị không nghĩ rằng có ngày con gái có cơ hội tìm một khuôn mặt bình thường như bao người khác. Sau ca phẫu thuật lần 1, bé Dung sẽ còn phải trải qua 2 lần mổ quan trọng nữa để đẩy hốc mắt vào sâu hơn và tạo sống mũi khi sức khỏe ổn định hơn. Thế nhưng hành trình đi tìm lại gương mặt cho bé Dung có thể nói là điều kỳ diệu của y học và là kết quả của cả cộng đồng cùng chung tay.

Cơ hội sống cho cháu bé bị bỏng nặng

Nhận được hình ảnh mới của bé Hứa Thị Như Phượng - nhân vật của chương trình Vòng tay nhân ái trên Báo Gia đình & Xã hội với MS 285 - do bố của bé chia sẻ, chúng tôi hạnh phúc vô cùng bởi sự kết nối với bạn đọc đã có kết quả. Cách đây gần một năm, mặt bé Phương gần như biến dạng, quấn đầy băng trắng do không may ngã vào ngọn lửa cháy rực khiến cơ thể bỏng nặng. Khác với vẻ tuyệt vọng đó, giờ đây bé Phượng đã chạy nhảy bình thường, đi học.

Nhớ lại tai nạn của con, đến giờ anh Hứa Văn Thiệp (bố bé Phượng) vẫn không thể nào quên. Khi gia đình đưa bé Phượng xuống Viện Bỏng quốc gia, các bác sỹ nhận định bé bị bỏng 15% cơ thể, trong đó 12% độ sâu 3 - 4 ở đầu, mặt, cổ, thân, chi. Cơ hội sống khi ấy của bé rất mong manh. Từ sự chung giúp thiết thực và kịp thời của bạn đọc hảo tâm của Báo Gia đình & Xã hội, chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình đã nhận hàng trăm triệu đồng. Nhờ đó mà bé Phượng đã được điều trị tích cực, cơ thể bé dần bình thường sau hàng cục ca phẫu thuật cấy ghép da. “Giờ cháu đi học rồi cô ạ. Trên người cháu các vết sẹo vẫn còn nhưng không còn đau như trước. May mắn hơn nữa là mặt cháu không để lại sẹo nhiều. Thấy cháu nhanh nhẹn, vui cười trở lại vợ chồng tôi vui lắm”, anh Thiệp chia sẻ.

Hỗ trợ bé bệnh tim bẩm sinh

Vì nghèo, bé Hà Hoàng Thiên Di (10 tháng tuổi, ở đội 10, xóm Tân Xuân, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - nhân vật của chương trình Vòng tay nhân ái với MS 372) có lịch phẫu thuật nhưng gia đình xin khất hết lần này lần khác vì không có nổi 60 triệu đồng. Sinh ra không may mắc phải bệnh tim bẩm sinh Apso type 4, bé Di còn kèm theo không nhánh động mạch phổi. Trái tim “không lành lặn” cùng bệnh phổi đang hành hạ bé mỗi ngày. Nhiều hôm thấy con quằn quại trong những cơn đau, bố mẹ Thiên Di chỉ biết gạt nước mắt, ôm con vào lòng. Mỗi khi bé Di khóc là tím tái cả người, có lúc ngất lịm nằm bất động, chân tay co quắp, mắt lờ đờ trắng bệch, nhịp thở yếu ớt dần.

Hoàn cảnh thương tâm của bé Thiên Di đã lay động độc giả của Báo Gia đình & Xã hội. Chỉ sau thời gian ngắn bài viết đăng tải, bé Thiên Di nhanh chóng nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Nhiều người còn không quản ngại đường xa trực tiếp đến nhà thăm bé. Gia đình đã nhận được hơn 80 triệu đồng. Số tiền này bao gồm các tổ chức, đoàn thể, cá nhân gửi đến trao trực tiếp và ủng hộ thông qua Báo Gia đình & Xã hội. Nhờ đó, bé đã bước vào ca phẫu thuật thành công. Theo gia đình chia sẻ, hiện sức khỏe của bé đã ổn định, hay cười hơn trước.

Những tấm lòng từ phương xa

Riêng trong năm 2018, đã có gần 100 trường hợp có hoàn cảnh éo le được đăng tải trên chuyên mục Vòng tay Nhân ái của Báo Gia đình & Xã hội, trong đó nhiều người đã nhận được sự trợ giúp về cả tinh thần và vật chất từ cộng đồng. Để có thể hỗ trợ cho những hoàn cảnh thiệt thòi của chương trình, phải kể đến sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài. Đã có rất nhiều người đồng hành xuyên suốt và liên tục với chương trình trong thời gian qua.

Là một người con nước Việt xa quê hương, anh Đinh Quân Bảo (ở Canada) đã đồng hành với chương trình Vòng tay nhân ái nhiều năm nay. Anh từng chia sẻ với chúng tôi rằng, thường xuyên theo dõi những bài viết ở trên chuyên mục và rất cảm động. Nhìn hình ảnh nhiều người đang phải chịu đựng nỗi đau bệnh tật, sự khó khăn nghèo khó của các gia đình, nhất là những em bé không may mắn mắc phải bệnh hiểm nghèo người dân tộc thiểu số… mà anh đau lòng. Ông trời sao quá bất công, sao có những số phận lại cùng cực đến thế?

Từng có tuổi thơ khốn khó, anh Bảo càng thấu hiểu hơn các hoàn cảnh. Từ sâu thẳm trái tim, lúc nào anh cũng mong có điều kiện tốt hơn nữa để có thể giúp đỡ được tất cả các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng, anh cố gắng sắp xếp việc chi tiêu của cá nhân để tháng nào cũng có thể giúp đỡ được một hoàn cảnh. Có một thời gian dài, hàng tháng anh đều đặn gửi 200 - 300 đô la Canada về cho các hoàn cảnh khó khăn ở chuyên mục. Anh còn bày tỏ: “Tôi sẽ cố gắng giúp các em bị bất hạnh trong cuộc sống và nhất là người dân tộc thiểu số. Nhưng nếu có trường hợp nào khẩn cấp cần thiết, bạn có thể mail cho tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình…”.

Cũng như anh Đinh Quân Bảo, anh Châu Quang (ở Mỹ) đã đồng hành với chuyên mục trong rất nhiều trường hợp. Tháng 8/2018, có dịp về Việt Nam, anh đã đến thăm Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Anh cho biết, anh rất xúc động khi đọc các bài báo chuyên mục Vòng tay nhân ái và luôn cảm thấy day dứt vì không có nhiều điều kiện để có thể giúp đỡ hết các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Trong số các trường hợp cần giúp đỡ, anh luôn bị ám ảnh bởi những bé có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo… Nhiều khi thấy đau xót, không cầm được nước mắt. Cũng trong lần về này, anh Quang đã ủng hộ 500 USD cho các mã số của chương trình Vòng tay nhân ái.

Theo anh Quang, Báo Gia đình & Xã hội không chỉ chú trọng đến việc truyền tải thông tin mà còn chung tay vì cồng động. Vật chất với hoàn cảnh khó khăn là vô cùng quý nhưng các hoàn cảnh khó khăn sẽ cảm thấy mình không đơn độc, được sẻ chia và động viên về mặt tinh thần khi có sự trợ giúp của cộng đồng. Đó là liều thuốc tinh thần vô giá tiếp sức cho họ trên quãng đường dài chiến đấu với bệnh tật, vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại.

Cũng bởi những suy nghĩ đó nên anh không chỉ giúp đỡ các nhân vật xuất hiện trên chuyên mục Vòng tay nhân ái bằng cách chuyển tiền qua tài khoản của Báo Gia đình & Xã hội mà mỗi khi sắp xếp được thời gian, một năm anh Quang về nước khoảng một tuần, đến tận các gia đình mình đọc được ở trên Báo để trao quà và chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn.

Anh Quang chia sẻ, anh rất thích cách làm từ thiện của chương trình Vòng tay nhân ái trên Báo Gia đình & Xã hội vì cập nhật thông tin nhanh, cụ thể, chính xác, cả những hình ảnh trao quà cho nhân vật… Anh cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần, trách nhiệm của những người làm công tác thiện nguyện của Báo và mong rằng mình có thể chia sẻ nhiều hơn với các hoàn cảnh đã đăng tải ở chương trình.

Sau khi được hỗ trợ lắp chân giả, về nhà em thường xuyên tập. Phải rất khó khăn và nhiều ngày tập luyện em mới thích ứng được. Tuy vết thương chưa lành hẳn, rất đau nhưng em thấy sung sướng khi bước đi được như mọi người. Em đã tự đi lại được trên đôi chân giả ở quãng đường ngắn.

Em Ngô Văn Vượng

Tôi sẽ cố gắng giúp các em bị bất hạnh trong cuộc sống và nhất là người dân tộc thiểu số. Nhưng nếu có trường hợp nào khẩn cấp cần thiết, bạn có thể mail cho tôi. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình…”.

Anh Đinh Quân Bảo Việt kiều ở Canada

Phương Thuận