Nhiều trẻ em, thai phụ nhập viện vì sởi tại TPHCM: Đã có trường hợp thai lưu vì bệnh

Đang nằm điều trị tại khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, thai phụ Nguyễn Thị Minh Vân (29 tuổi, ngụ quận 7, mang thai được 4 tuần) cho biết trước đó chị không hề nghĩ mình bị sởi. “Tôi bắt đầu sốt từ hơn một tuần trước, vì đang mang thai nên không dùng thuốc điều trị mà cứ nghĩ đây là những biểu hiện bình thường trong thai kỳ. Mãi đến ngày thứ 3 không khỏi nên gia đình mới đưa vào bệnh viện. Đến đây mới biết là mình bị sởi, thậm chí lúc người bắt đầu phát ban tôi cứ nghĩ là do mình bị sốt xuất huyết”, chị Vân nói.

nhieu tre em, thai phu nhap vien vi soi tai tphcm: da co truong hop thai luu vi benh - 1

Vì không biết mình mang thai nên thai phụ này không thể tiêm phòng sởi như khuyến cáo của bác sĩ. Không biết mình mắc sởi nên chị Vân cũng không hề có biện pháp cách li nào với đứa con gái lớn 16 tháng tuổi của mình. “Bé mới chỉ tiêm được mũi đầu tiên lúc 9 tháng tuổi, hiện vẫn chưa tới ngày tiêm mũi nhắc lại nên gia đình tôi rất lo không biết con có bị lây sởi từ mẹ hay không. Bé hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào của bệnh”, thai phụ này cho biết.

Cũng  đang điều trị tại khoa Nội A, chị Lê Thị Tình (29 tuổi, ngụ Bình Chánh) cho biết quanh khu vực nhà ở cũng như trong gia đình chị không hề có ai mắc bệnh sởi. “Lúc biết mình mắc sởi, tôi chỉ lo lắng cho cái thai vì mình đang mang thai được 4 tháng chứ cũng không để ý mà cách ly cho con trai vừa được 19 tháng. Do hai vợ chồng đều bận rộn công việc nên không chích cho bé mũi nhắc ngừa sởi, vài ngày sau khi tôi nhập viện thì con cũng bắt đầu phát ban và phải vào bệnh viện điều trị vì sởi”.

nhieu tre em, thai phu nhap vien vi soi tai tphcm: da co truong hop thai luu vi benh - 2

Tại Khoa Nội A, ngoài thai phụ, tại đây còn rất đông các bệnh nhân là nam thanh niên hoặc trẻ nhỏ phải nằm điều trị sởi. Thậm chí số lượng bệnh nhân đông đến nỗi nhiều người phải nằm hành lang vì không còn giường bệnh. Vừa dỗ con đang khóc inh ỏi tại phòng hành chính khoa vì bé bị lấy máu, chị Lê Ngọc Minh (29 tuổi) cho biết bé mới chỉ 7 tháng tuổi, vẫn chưa thể tiêm ngừa sởi. “Ban đầu cháu sốt, ho, sổ mũi, tôi có cho bé đi khám tại phòng khám tư nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau đó 2 ngày thì bé chuyển sang phát ban, lúc đó gia đình vẫn không nghĩ bé bị sởi”, mẹ bệnh nhi cho biết.

nhieu tre em, thai phu nhap vien vi soi tai tphcm: da co truong hop thai luu vi benh - 3

Theo BS CK II Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện tại khoa đang điều trị cho 65 bệnh nhân nội trú, trong đó có 38 trẻ em, 25 ca là trẻ dưới 6 tuổi, 7 thai phụ với tuổi thai từ 8-34 tuần.

“Những phụ nữ mang thai bản thân cơ địa miễn dịch kém, nếu mắc bệnh sởi hệ miễn dịch sẽ càng kém hơn, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non, viêm phổi. Trong tháng 11 vừa qua đã có một thai phụ mắc sởi bị thai chết lưu. Tháng 12 có 3 ca sinh non. Bệnh viện phải chuyển qua khoa sơ sinh của bệnh viện Từ Dũ  nhờ hỗ trợ sinh con, sau đó đưa mẹ về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục điều trị” bác sĩ Hoa cho biết.

Trước những nguy cơ mà phụ nữ mang thai có thể gặp nếu mắc sởi, BS Hoa khuyến cáo những phụ nữ có ý định có thai hoặc đang ở độ tuổi sinh sản nên tiêm ngừa sởi. “Trước khi mang thai ít nhất 03 tháng, các mẹ cần phải lưu ý tiêm phòng bằng vaccine kết hợp - Sởi, Quai bị, Rubella để bảo vệ cho cả bé và chính bản thân của mình. Tuy nhiên phụ nữ đã có thai không nên chích ngừa. Riêng đối với trẻ em, vì tiêm phòng sởi chỉ có tác dụng miễn dịch khoảng 85-90%, nên các bé đủ 9 tháng cần được tiêm phòng sởi mũi đầu và nhắc lại sau 9 tháng để đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất”, BS Hoa nhấn mạnh.

Song hành cùng bệnh tay chân miệng, tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Theo HUY VÂN (Khám phá)