Nói chuyện với chồng cũ, tưởng nặng nề hóa ra nhẹ bẫng

Qua sóng gió, tưởng rằng nói chuyện với chồng cũ thật nặng nề ai ngờ nhẹ hẫng vì có lẽ chúng tôi đã biết đâu là lẽ sống của cuộc đời.

Sau ly hôn, chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau. Một phần vì “chả có gì để nói”; phần vì oán hận. Bởi tôi vẫn còn yêu anh mà phải chấp nhận ly hôn, vì anh cứ nhăm nhăm vào tài sản.

Noi chuyen voi chong cu, tuong nang ne hoa ra nhe bang
Sau ly hôn, chúng tôi đã không còn nói chuyện với nhau. Ảnh minh họa

Tài sản này của cha mẹ cho riêng tôi trước hôn nhân, nhưng khi con gái được năm tuổi thì anh đề nghị:

- Làm lại giấy đỏ đi em, anh chủ tài sản, em thừa kế cho có vợ có chồng dễ làm ăn!

- Ơ… có lẽ không được đâu, vì cha mẹ nói, cho để ở không được bán. Mà đây là tài sản riêng…

- Trời ơi… thì có ai nói bán đâu, chỉ là thế vô ngân hàng mượn vài trăm làm ăn thôi mà!

- Cha mẹ biết… mích lòng lắm anh…

- Biết, biết thì sao? Giờ giấy tờ đứng tên em, em muốn làm gì mà chẳng được!?

- Sao anh nói kỳ vậy? Cha mẹ còn sống sờ sờ đó, nguồn gốc đất cũng là của cha mẹ. Làm sao em dám?

- Hiểu rồi. Là em quý miếng đất mấy trăm mét vuông đó hơn tôi nên mới nói thế! Được, tôi sẽ cho em ôm miếng đất đó mà sống suốt đời!

Tưởng nói chơi, ai dè anh kéo vali đi công trình và ở mãi trên đó. Tôi năn nỉ cách nào cũng không về. Lại còn ra “tối hậu thư” là chỉ về khi tôi sang tên giấy đỏ cho anh đứng.

Tôi muốn nhà cửa êm xuôi, nên thưa với cha mẹ việc thay đổi chủ sở hữu thửa đất tài sản riêng đó. Ai ngờ cha mẹ tôi làm to chuyện, nói là anh có “ý đồ”, chứ đã là vợ  chồng thì dù ai đứng tên thì vợ chồng vẫn sinh sống trên đó mà. “Có ai sướng như nó không? Lấy vợ là có đất sẵn, nhà thì cha mẹ hai bên cho tiền cất. Giờ chỉ việc làm ăn mà còn xeo nạy tài sản riêng của vợ?”.

Anh biết được vụ việc, lại càng mắng già, cho tôi là không biết xử trí, cứ đi “tâu rổi” không đáng mặt làm… người.

Tôi khóc hết nước mắt, cho rằng ý tốt của mình đã bị hiểu lầm, bị chuyện bé xé ra to. Thật ra, tôi cho rằng vợ chồng đã là một, thì dù của riêng tôi, nhưng anh cần, tôi vẫn có thể sang tên. Chỉ hiềm, đây là của cha mẹ cho, chứ không phải tự tôi sắm. Nên phải nói cha mẹ một tiếng để mai này cha mẹ có biết cũng không phiền hà. Sao anh không nghĩ mà thương cho sự chu đáo của tôi mà lại nói năng như thế?

Vậy rồi khi tôi đang loay hoay dung hòa mối quan hệ giữa nhà ruột và chồng thì… có thư mời của tòa án. Lý do ly hôn là “không hợp nhau”.

Noi chuyen voi chong cu, tuong nang ne hoa ra nhe bang
Ảnh minh họa

Tính ra, từ ngày anh kéo vali đi khỏi nhà, đã tám tháng không về. Dù tôi khóc trước mặt cán bộ toà án, nói rằng tôi còn thương chồng, chuyện không có gì đáng để ly hôn. Nhưng anh vẫn dửng dưng, bảo rằng sống trong cái nhà mà vợ làm chủ, anh thấy rất “nhục”. Anh sẽ về, sẽ rút đơn ly hôn khi nào tôi sang tên giấy đỏ cho anh. Bằng không… có lẽ đã hết duyên hết nợ.

Vậy là tôi đành chấp nhận ly hôn. Tài sản sau 6 năm hôn nhân chẳng có gì ngoài đứa con và căn nhà giá trị ban đầu hai trăm triệu. Tôi trả anh chẵn 100 triệu để giữ lại nhà. Tôi cũng không buồn đòi cấp dưỡng, dù trong bản án có yêu cầu anh cấp dưỡng nuôi con.

Hai năm qua, anh không chấp hành bản án, tôi cũng không yêu cầu. Chỉ là vài cuộc điện thoại sau đó tôi không nghe nữa. Con gái tôi tuy nhỏ nhưng rất tâm lý, có lẽ bé thấy gương mặt mẹ luôn u sầu nên không bao giờ hỏi về ba. Thêm vài lời đồn đoán từ nhiều phía nên nó hiểu ba “là người không tốt”.

Thời gian gần đây, khi tôi học tròn câu chữ “Vợ chồng là duyên, có duyên thì ở, hết duyên thì đi” nên đã nhẹ lòng, mặt mày tươi tắn. Con gái bảy tuổi có lẽ đã thấy sự chuyển biến trên gương mặt mẹ nên một lần mẹ con nằm bên nhau đã thỏ thẻ “Mẹ ơi, con gọi cho ba được không? Con nhớ ba”.

Nước mắt tôi cay xè. Hóa ra hai năm nay tôi đã vì mình mà thành ích kỷ với con. Chúng tôi có lỗi với nhau nhưng con cái có tội gì đâu chứ? Lập cập bấm dãy số mà tôi nhớ như in trong đầu, chỉ lo là không còn liên lạc được.

Khi con trả máy, tôi thấy kèm tin nhắn: “Cảm ơn em đã mở lòng, anh biết mình có lỗi nhưng làm sao để quay đầu. Chỉ mong là được nói chuyện với em và con”. Vài giọt nước mắt tôi đã rơi nhòe màn hình cảm ứng, chỉ có biết nhắn lại: “Em cũng vậy”. Nhưng rồi sau một hồi chuông ngắn, có lẽ người bên kia luôn cầm sẵn điện thoại trên tay, là giọng trầm trầm thân quen. Tôi trao điện thoại cho con, con tôi chạy vút về phòng mình để tự do líu lo với người sinh ra nó.

Hóa ra, qua sóng gió, tưởng rằng nói chuyện với chồng cũ thật nặng nề, ai ngờ nhẹ bẫng vì có lẽ chúng tôi đã biết đâu là lẽ sống của cuộc đời.