Triển lãm siêu thực về khoảng cách con người tại galerie Quynh

Vào ngày 22/9 vừa qua, họa sỹ Dương Cầm đã tổ chức một buổi trình diễn tại Galerie Quynh. Anh trực tiếp hướng dẫn buổi tham quan và kể những mẩu truyện đằng sau các tác phẩm của mình.

Cảm hứng từ khoảng cách người người

Họa sĩ Dương Cầm cho biết các tác phẩm của anh thể hiện các khoảng cách giữa con người. “Khoảng cách giữa người người chính là một khoảnh khắc. Ta phải anh chóng nắm bắt chúng. Chỉ cần một chuyển động nhỏ, khoảng cách đó sẽ không còn hình dạng ấy nữa” – anh chia sẻ. Theo anh, cái khó nhất chính là hữu hình hóa các khoảng cách ấy với những mảng màu acrylic và sơn dầu.

Cảm hứng của anh đến từ nhiều nguồn. Anh định nghĩa: “Ranh giới cũng là một khoảng cách. Bản thân tôi cũng là một người di cư từ Bắc sang Nam. Trên thế giới hiện nay, có rất nhiều người di cư và tị nạn. Họ không quan tâm mình đã bước qua ranh giới chưa. Tất cả những gì họ biết chính là nơi đó an toàn. Khi đó, ranh giới và khoảng cách bị xóa nhòa, chỉ còn con người với nhau.”

Trong nghệ thuật ý niệm, đã có nhiều nghệ sỹ trình diễn chủ đề “khoảng cách”. Tiêu biểu là Marina Abramovíc và bạn trai Ulay. Hai nghệ sỹ đã thể hiện khoảng cách giữa hai người qua khung cửa. Họ khỏa thân và đứng đối mặt nhau qua khung cửa. Vào năm 1988, hai người đã bước về nhau từ hai đầu Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc). Khi gặp nhau, họ nói lời chia tay. “Đó là một khoảnh khắc vô cùng xúc động” – anh Dương Cầm cảm thán: “Đồng thời, đây cũng là một nguồn cảm hứng của tôi.”

Câu chuyện đằng sau các tác phẩm

Anh Dương Cầm chia sẻ: “Khi tôi đang vẽ, những mảng màu sắc lại gợi tôi nhớ đến một câu chuyện, một sự kiện lịch sử hay một kỷ niệm nào đó. Thế là tôi sử dụng tên gọi của chúng đặt cho tác phẩm của mình. Hãy xem câu chuyện và bức tranh như một mối quan hệ song song. Chúng cũng chỉ là gợi ý để giúp người xem cảm nhận về tác phẩm của tôi.”

Các tác phẩm được chia làm bốn nhóm, dựa vào câu chuyện đằng sau chúng. Đó là “Đường về Việt (miền) Bắc xa xôi núi đồi”, “Bế Văn Đàn qua núi”, “Những năm tháng Bolero, polonaise” và các tác phẩm còn lại.

Đường về Việt (miền) Bắc xa xôi núi đồi

Nhóm tranh “Đường về Việt (miền) Bắc xa xôi núi đồi” bao gồm 5 bức vẽ. Tên gọi của nhóm tranh này chính là câu hát cuối của một ca khúc rất nổi tiếng thời đó. Họa sĩ miêu tả: “Những mảng màu ở đây thể hiện khoảng cách của núi, rừng và sông trên con đường về Việt Bắc xưa.”

bế văn đàn qua núi

Hẳn ai cũng biết câu chuyện người chiến sĩ Bế văn Đàn lấy thân chèn pháo trên đường kháng chiến. Câu chuyện ấy đã đến với họa sĩ Dương Cầm khi anh đang vẽ. Nhóm tranh này cũng gồm 5 tác phẩm. Bức lớn nhất được trưng bày trên lầu 2 và có một băng ghế để người xem có thể ngồi chiêm nghiệm. Theo lời họa sĩ, mỗi khi nhìn vào bức tranh sẽ cho ta một cảm giác khác. Nhìn càng lâu, ta sẽ càng thấy được nhiều thứ. Anh Dương Cầm cảm thấy bức tranh này giống như cổng trời. Đó là hình ảnh mà ta sẽ nhìn thấy khi leo đến gần đỉnh núi. Nó cũng có thể là cổng thiên đường, nơi Bế Văn Đàn đã bước qua.

Những năm tháng Boléro, Polonaise

Nhóm tranh này bao gồm 3 tác phẩm. Bolero và Polonaise là hai thể loại nhạc du nhập từ nước ngoài và rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Đặc biệt là Boléro. Dòng nhạc này xuất xứ từ Mỹ Latinh và được du nhập vào Việt Nam những năm 50. Từ 1960-1970, dòng nhạc này được người Việt yêu thích và phổ biến đến tận ngày nay.

Những tác phẩm còn lại

Mỗi tác phẩm đều có câu chuyện rất đặc biệt. Bức họa “Fantasy từ tác phẩm các quan cận thần qua cầu của Hokusai” được lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên. Những mảng màu thể hiện khoảng cách của ba đại thần qua cầu, tiểu đồng, nước, trời… Chúng chồng lên nhau, làm xóa nhòa các đường ranh giới ngăn cách. Họa sĩ Dương Cầm miêu tả: “Khi nhìn kĩ bức tranh thì có thể thấy những hình dáng ngẫu nhiên giống với con người. Ở góc trái bức tranh, có thể thấy một người đang chỉ đường bị lật ngược.”

Bức vẽ “Fantasy từ tác phẩm Étant Donnés của Duchamp” cũng tương tự. Étant Donnés chính là tác phẩm cuối cùng của nghệ sỹ Duchamp. Nó được ông thực hiện trong lặng lẽ. Do đó, những khoảng cách trong bức tranh này có thể là giữa sự sống và cái chết, sự nổi tiếng và âm thầm.

Cá nhân họa sĩ Dương Cầm cảm thấy gắn bó nhất với tác phẩm “Ngày cuối tuần và đĩa đơn mới”. Nó gắn liền với một kỉ niệm của anh. Khi đó, anh đang sống trên căn gắc ở chợ Bà Chiểu. Bất chợt, anh nghe tiếng nhạc Blues vang vọng từ các ngôi nhà lân cận.

Tác phẩm “Ngày cuối tuần và đĩa đơn mới”

Về nghệ sỹ ý niệm Hoàng Dương Cầm

Họa sĩ Hoàng Dương Cầm cùng chị Quỳnh bên cạnh tác phẩm của anh

Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội vào năm 1996 và là một trong những nghệ sĩ đương đại hoạt động tích cực nhất hiện nay. Các tác phẩm của anh thường chọn lựa hoặc kết hợp các phương tiện như sơn, vẽ, điêu khắc, biểu diễn, sắp đặt, video và nhiếp ảnh. Từ đó thể hiện những suy tư sâu sắc về tình trạng của con người, cũng như các mối liên hệ khả dĩ giữa thế giới nội tâm và ngoại cảnh của họ.

Các triển lãm nổi bật gần đây của Hoàng Dương Cầm bao gồm triển lãm hai người Giữa hai bí ẩn ở Galerie Quỳnh, Việt Nam (2016) và các triển lãm nhóm như SUNSHOWER: Contemporary Art from Southeast Asia 1980s to Now ở Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia, Nhật Bản (2017); Anh cũng là người đồng sáng lập ấn phẩm nghệ thuật thể nghiệm thị giác.

Về Galerie Quynh

Galerie Quỳnh được nhìn nhận như một trong những phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam. Đến nay, Galerie Quỳnh đã giúp thúc đẩy các thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỉ qua. Song song với việc hợp tác với một nhóm chọn lọc những nghệ sỹ ưu tú, những nghệ sỹ đã thành danh. Gallery còn hợp tác với những nghệ sỹ trẻ mới nổi. Ngoài ra, phòng tranh còn trưng bày các tác phẩm của nhiều nghệ sỹ tên tuổi thế giới. Với mục đích khuyến khích sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật bền vững tại Việt Nam.

Buổi triển lãm “Một chút siêu thực cần thiết để xuyên qua khoảng cách người người” hiện đang diễn ra tại Galerie Quỳnh.

Địa chỉ: 118 Nguyễn Văn Thủ, phường Dakao, quận 1, Tp.HCM.

Thời gian: từ ngày 8/9 đến ngày 13/10.

Harper’s Bazaar Việt Nam