Search Modal

Các nàng dâu nghĩ gì khi đón tết muộn nhà ngoại?

Ngày tết là để dịp để đoàn viên và quây quần bên những người mình yêu thương nhất. Nhưng với các nàng dâu – nhất là những người đi lấy chồng xa, tết dường như là một dịp dễ khiến họ thấy chạnh lòng, tủi thân khi không thể dành trọn vẹn những ngày đầu xuân để ở bên bố mẹ mình.

Hãy cùng chia sẻ với các nàng dâu thường đón tết muộn ở nhà ngoại để hiểu được cảm nhận của họ trong dịp này. 

Nguyễn Ngọc Vân (TP.HCM): “Gia đình hiện tại của mình sống cách nhà ba mẹ mình hơn 300km. Vì khoảng cách khá xa nên một năm thường mình chỉ về nhà vào dịp tết Nguyên đán. Đây không chỉ là dịp để cả gia đình đoàn tụ, ông bà ngoại gặp cháu mà còn là khoảng thời gian thảnh thơi, vui vẻ nhất của mình khi được ba mẹ chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ như thời còn bé. Tết năm nay vì bà nội vào TP. HCM chăm cháu và ở lại ăn tết nên vợ chồng mình cũng ở lại cùng bà. Sau tết khoảng nửa tháng, khi bà nội về quê thì gia đình mình mới sắp xếp về ngoại để ăn tết “bù”.

Cac nang dau nghi gi khi don tet muon nha ngoai?
Ngọc Vân và cậu con trai nhỏ. Ảnh NVCC

Nói là buồn thì có buồn nhưng mình không cảm thấy tủi thân vì vẫn có gia đình nhỏ cùng chồng, con và mẹ chồng bên cạnh. Tuy nhiên, chắc chắn vào đêm giao thừa và ba ngày tết mình sẽ rất nhớ ba mẹ cùng cái rét căm căm của Đà Lạt quê mình. Mình thèm cảm giác được cùng mẹ lau dọn, trang trí nhà cửa, gói bánh chưng rồi thức đêm canh nồi bánh nóng thơm phức. Năm nay, mình đã dự định cho con trai cùng tham gia gói bánh cùng cả nhà nhưng kế hoạch “bất thành” nên đành chờ sang năm sau nữa vậy.

May mắn là chồng mình hiểu nỗi buồn của vợ và động viên mình rất nhiều. Anh hứa sẽ sắp xếp để đưa hai mẹ con về ngoại sớm nhất có thể cũng như dành hết thời gian vào dịp tết để đưa cả nhà đi chơi, đường hoa, chụp ảnh… Riêng mình, dù hơi hụt hẫng nhưng luôn tự nhủ mỗi cái tết sẽ là một trải nghiệm khác nhau. Năm nay, lần đầu tiên mình sẽ cùng gia đình nhỏ đón tết Sài Gòn, chắc chắn sẽ có nhiều niềm vui và thú vị riêng. Cứ hồn nhiên tận hưởng tết thôi!”

Nguyễn Thị Thương (Hải Dương): “Mình lấy chồng ở Hải Dương, gia đình nhà ngoại sống ở Tây Nguyên, cách nhau khoảng 1500km. Bình thường thì khoảng hai năm mình về quê thăm bố mẹ một lần. Tết năm nay, điều kiện kinh tế không cho phép nên mình không thể về quê ngoại đón xuân cùng bố mẹ. Dù đi lấy chồng đã lâu nhưng mỗi dịp tết đến mình vẫn thấy buồn, chạnh lòng khi Giao thừa không được ở bên bố mẹ. Nhưng những lúc như vậy mình lại tự nhủ, may mắn là bố mẹ còn sức khỏe, yêu thương nhau và có gia đình các anh trai bên cạnh nên bố mẹ sẽ đỡ buồn khi con gái không thể về vào dịp tết.

Cac nang dau nghi gi khi don tet muon nha ngoai?
Có nhớ nhà nhưng Thương vẫn thấy hạnh phúc vì gia đình chồng thương yêu như con gái ruột. Ảnh NVCC

Mình cũng may mắn khi có một người chồng tâm lý, yêu thương vợ, biết vợ buồn anh luôn động viên vợ cố gắng, sang năm khi kinh tế tốt hơn anh sẽ đưa vợ về thăm ông bà ngoại. Anh cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm bố mẹ vợ rất tình cảm. Một điều an ủi nữa là mình có mẹ chồng hiền lành, thoải mái cùng các anh em chồng rất thân thiết chẳng khác nào ruột thịt. Mình tự nhủ, mọi người luôn yêu thương mình nên mình cũng phải thật vui vẻ để có một cái tết hạnh phúc bên gia đình”. 

Trần Thị Cúc (Phan Thiết): “Duyên số đưa đẩy tôi lấy chồng xa nhà hơn 200 cây số. Chúng tôi kinh doanh quán café nhỏ, dịp tết thường rất bận rộn. Những năm đầu, tôi buồn và khóc rất nhiều mỗi lần tết đến, thậm chí còn… giận lây sang chồng dù anh chẳng có lỗi gì. Suốt mấy ngày tết, tâm trạng của tôi nặng nề, khó chịu vô cùng. Tôi cứ mong ngóng mãi đến ngày mùng 3 tết là ngày được về thăm bố mẹ đẻ.

Cac nang dau nghi gi khi don tet muon nha ngoai?
Cúc bù đắp cho bố mẹ bằng những chuyến thăm dài ngày trong năm. Ảnh NVCC

Nhưng mấy năm trở lại đây, tôi đã thay đổi. Tôi nhận ra mình ích kỷ và trẻ con quá. Chồng tôi là người đàn ông rất tốt, hiền lành, anh rất yêu thương tôi và lúc nào cũng sợ vợ buồn, nhưng tôi lại không để tâm đến cảm xúc của anh. Tôi nhận ra, bạn đời chính là người sẽ đồng hành với mình suốt cuộc đời này, mình không thể khiến anh buồn lây. Hơn nữa, tôi cứ buồn phiền như vậy thì bố mẹ đẻ cũng không thể yên lòng đón tết trọn vẹn. Giờ tôi sẽ đón tết vui vẻ cùng chồng con, cho các cháu gọi điện nói chuyện với ông bà thật nhiều và “bù đắp” cho bố mẹ bằng những chuyến thăm dài ngày trong năm”. 

Thùy Linh (Hà Nội): “Tôi may mắn có chồng và bố mẹ chồng rất tâm lý nên những năm đầu mới về làm dâu, chúng tôi thường chia ra mỗi năm đón tết ở một nơi vì cả hai vợ chồng tôi đều là con một. Tuy nhiên ba năm trở lại đây, bố mẹ chồng tôi yếu đi nhiều, nhất là mẹ chồng tôi. Vì thế, chúng tôi phải chia lại lịch, hai vợ chồng sẽ ở Hà Nội với bố mẹ chồng từ ngày 30 đến sáng mùng 3, do tôi phải làm cơm đúng Giao thừa, cúng mùng và hóa vàng. Trưa mùng 3, vợ chồng tôi sẽ đưa các con về thăm ông bà ngoại và ở chơi khoảng bốn ngày.

Cac nang dau nghi gi khi don tet muon nha ngoai?
Với Linh, miễn là được ở bên những người thân của mình thì ngày nào cũng là tết. Ảnh NVCC

Chồng có sợ tôi buồn và động viên tôi rất nhiều, nhưng tôi không thấy tủi thân bởi lẽ tôi nghĩ đó là bổn phận tất yếu khi đi làm dâu. Tự tay chăm chút, dọn dẹp nhà cửa và làm cơm cúng ông bà cũng khiến tôi thấy yêu hơn tổ ấm hiện tại của mình. Tôi nghĩ ngày tết cũng chỉ là do con người đặt ra, quan trọng không phải là được ở bên bố mẹ vào ngày nào mà điều ý nghĩa hơn là mỗi khoảng thời gian ở bên cạnh nhau đều thật vui vẻ, hạnh phúc”.

Phương Uyên (thực hiện)

Tags:
Women Leader © Copyright 2024. Designed and Developed by MJU Media