Search Modal

Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam – Đó là lòng tự tôn dân tộc

(KDPT) – 10 năm kể từ khi phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, chúng ta có thể thấy người tiêu dùng đang quan tâm và sử dụng hàng Việt ngày càng nhiều, doanh nghiệp Việt Nam có thị trường nội địa ngày càng lớn. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là làm thế nào để người Việt tin tưởng và an tâm dùng hàng Việt. Mới đây, tại Hà Nội, Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển tổ chức Diễn đàn “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam: Đó là lòng tự tôn dân tộc”.

Diễn đàn có sự tham gia của ông Dương Trung Quốc – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng Cố vấn Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế;  PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam; AHLĐ Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt và sự hiện diện của các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp lớn nhỏ trong cả nước.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Phương Mai

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hải cho biết, diễn đàn được tổ chức với mục đích đưa ra được những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp Việt, từ đó đưa ra giải pháp làm sao để hàng Việt Nam khẳng định được thương hiệu, chất lượng của mình, chinh phục được chính người dân nước mình.

“Sở dĩ chúng tôi đặt là lòng tự tôn dân tộc, bởi ở đây chúng tôi muốn khơi gợi tình yêu nước, lòng tự tôn trong các doanh nghiệp, doanh nhân và chính bản thân những người tiêu dùng Việt Nam. Đó không chỉ là tìm kiếm lợi nhuận, thặng dư cho các doanh nghiệp Việt, mà đó còn là việc khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế”, ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện IDE phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Phương Mai

Phải thay đổi tâm thế

Mở đầu diễn đàn, Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc đã có những chia sẻ về lý do tại sao lại chuyển tâm thế từ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Theo ông, chúng ta cần phải thay đổi từ nhận thức, phải có những bước chuyển mình để phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập thế giới sâu rộng.

Ông Dương Trung Quốc – Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN có những chia sẻ về “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Ảnh: Phương Mai

“Với một đất nước có số dân xếp thứ 15 trên thế giới nhưng sự xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài, các sản phẩm nhập khẩu từ quốc tế lại khiến cho người ta không khỏi suy nghĩ. Liệu chúng ta có ứng phó kịp không nếu vẫn giữ cách tư duy cũ, tâm thế cũ. Điều đó thôi thúc ta phải chuyển đổi tâm thế, phải có những bước chuyển mình rõ rệt. Chúng ta cần nhìn nhận lại những yếu tố tưởng chừng đơn giản nhất, phải hiểu nội hàm của 3 chữ “Made in Việt Nam”, để biết chúng ta cần phải làm gì cho phù hợp với bối cảnh, với nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam”, ông Quốc cho biết

Ông cũng chia sẻ thêm lòng tự tôn dân tộc ở đây có thể hiểu theo nhiều hướng. Trước mắt là niềm tự hào về chất lượng sản phẩm của người Việt Nam, tiếp đó là sự tự tin đưa hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng của nước mình, chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất; sau cùng lòng tự tôn là cái hướng tới sẽ đạt được, là đưa thương hiệu hàng Việt Nam ra thế giới và khẳng định cho mình một chỗ đứng trên thương trường khốc liệt.

Không chỉ là câu chuyện về khối óc

Nói về tình trạng biến động hiện nay trong các doanh nghiệp khi đang lần lượt loại bỏ hàng Việt Nam, làm mất hình ảnh của hàng Việt, TS. Võ Trí Thành đã có những chia sẻ về kinh nghiệm, những đánh giá, những nhận định xoay quanh vấn đề này. Ông cho rằng để đưa thương hiệu Việt khẳng định chỗ đứng trước mắt là trong lòng người tiêu dùng Việt, không chỉ đơn giản là việc nghĩ ra sản phẩm, tính toán trong việc kinh doanh như thế nào, mà bên cạnh đó còn là câu chuyện về trái tim. Ta không chỉ làm để thu về lợi nhuận cho bản thân, mà còn nghĩ đến sự an toàn, tạo dựng lòng tin trong lòng người tiêu dùng bằng chữ “tín” cho chính mình tạo ra.

TS. Võ Trí Thành đã có những chia sẻ rất thú vị tại diễn đàn. Ảnh: Phương Mai

Ông cũng nhấn mạnh, cách định giá giá trị thương hiệu của doanh nghiệp Việt còn được tính bằng chất lượng dịch vụ, cách các doanh nghiệp đưa ra những tiện ích phục vụ khách hàng cũng là yếu tố quyết định đến việc người tiêu dùng có lựa chọn doanh nghiệp ấy hay không.

Nối tiếp TS Võ Trí Thành về vấn đề liên quan đến việc một số doanh nghiệp chưa phân biệt được thế nào là hàng Việt Nam, thế nào là Made in Vietnam, PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng đã có những chia sẻ phân tích rõ hơn tại diễn đàn.

PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch CLB Các nhà Công thương tại Diễn đàn. Ảnh: Phương Mai

Ông chia sẻ: “Hàng Việt Nam theo tôi đưa ra được thế giới là điều tốt nhưng trước hết cần phải khẳng định vị thế của mình trong nước đã, phải thực sự chinh phục được người tiêu dùng nước mình đã rồi hẵng tính đến chuyện hội nhập. Ta cần tập trung làm cho tốt để xem Nhà nước và doanh nghiệp đang nhìn nhận vấn đề như thế nào để tránh dẫn đến việc ngộ nhận về hàng Việt Nam. Ta cũng cần lắng nghe tiếng nói từ doanh nghiệp, từ đó tìm tiếng nói chung và lan tỏa thông điệp”.

Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành cũng có những chia sẻ về những chính sách của Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp. Ông có nhắc tới việc Nhà nước cần tạo ra một sân chơi lành mạnh, chân thật, minh bạch cho các doanh nghiệp có điều kiện để phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Tại phần thứ hai của diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp đã nói lên những quan điểm, những chia sẻ của mình xoay quanh câu chuyện “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

Không ngừng nỗ lực

AHLĐ Nguyễn Quang Mâu – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt là người đầu tiên đưa ra những cảm nghĩ của mình về chuyện nghề, chuyện kinh doanh và chuyện làm thế nào để chinh phục được người Việt Nam bằng sản phẩm của chính mình.

Ông chia sẻ: “Theo tôi, để có thể chinh phục được người tiêu dùng, bản thân các doanh nghiệp, các doanh nhân phải có khát vọng, phải có quyết tâm, không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng, áp dụng những tiên tiến về kỹ thuật để có thể xây dựng thương hiệu của mình, chăm sóc sản phẩm của mình ngày một hiện đại hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

AHLĐ Nguyễn Quang Mâu. Ảnh: Phương Mai

Theo ông, để có thể chinh phục được người tiêu dùng, cái cần làm chính là tìm ra những phương pháp mới, khác với những gì đã có, sản phẩm phải mới hơn, tân tiến hơn nhưng vẫn phải đảm bảo những yêu cầu về chất lượng và độ an toàn.

Ông cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay cũng có rất nhiều quyết tâm, nhiều tham vọng nhưng cơ chế vẫn đang bị phụ thuộc. Chẳng hạn phụ thuộc vào ngân hàng trong việc vay vốn, phụ thuộc vào các chính sách quy định hay vấn đề về thuế,… đều đang là những vấn đề lớn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình khẳng định tên tuổi của mình.

Tiếp nối tại diễn đàn, anh Trần Đức Minh – Chủ tịch Triso Group  đã chia sẻ về hành trình gây dựng Triso cũng như cách Triso chinh phục người Việt Nam cũng chinh phục thị trường quốc tế như thế nào.

Anh Trần Đức Minh – Chủ tịch Triso Group. Ảnh: Đinh Khương

Anh cũng chia sẻ anh đã dùng chính lòng tự tôn trong mình để chinh phục người tiêu dùng bằng sản phẩm của mình, từ việc coi trọng mọi khâu sản xuất đến việc quan tâm về mức giá sản phẩm, có như vậy mới thực sự gây được lòng tin và sự yêu thích từ khách hàng.

Góc nhìn và tâm thế của doanh nghiệp trẻ thời đại công nghệ 4.0

Là đại diện cho những nữ doanh nhân tài năng tại diễn đàn, bà Đỗ Hương Ly – Chủ tịch công ty kinh tế đa ngành MJU group đã có bài phát biểu về khát vọng nâng tầm thương hiệu Việt nhờ vào công nghệ 4.0.

Bà Đỗ Hương Ly đã có bài phát biểu được đánh giá cao tại diễn đàn. Ảnh: Đinh Khương

Theo bà Hương Ly, với thời đại công nghệ 4.0 , các vấn đề của doanh nghiệp trở nên rất đơn giản với sự hỗ trợ của mạng xã hội, của công nghệ truyền thông hiện đại để nâng tầm thương hiệu Việt một cách nhanh chóng và tối ưu nhất. Thực tế hiện nay hàng Việt đang dần được đưa tới tay người tiêu dùng thông qua hình thức hiện đại như mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hội nhóm buôn bán…Truyền thông hiện nay đang chia thành 2 hình thức là truyền thông đại chúng và phi đại chúng. Với truyền thông đại chúng thường có chi phí vô cùng đắt đỏ, thường chỉ phù hợp với các thương hiệu với hệ thống phân phối mạnh, độ phủ thị trường rộng, thông thường là các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) hay lựa chọn hình thức này. Còn đối với thương hiệu vừa và nhỏ, có tệp khách hàng khu trú hơn, việc dùng kênh đại chúng vừa tốn chi phí mà không mang lại hiệu quả cao. Vì thế đối với nhóm này, nên nghiên cứu và sử dụng kênh phi đại chúng như mạng xã hội, giúp doanh nghiệp có thể truyền tải ngay thông điệp tới nhóm khách hàng mục tiêu với chi phí hợp lý, cách thực hiện đơn giản, tiếp cận nhanh chóng mà vẫn đảm bảo mức độ lan tỏa cao.

Tổng kết lại diễn đàn, ông Dương Trung Quốc khẳng định, việc cần làm của doanh nghiệp trong hành trình chinh phục người Việt chính là tạo ra giá trị của mình, đồng thời cần có sự chia sẻ, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau để có thể tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp Việt lớn mạnh, cùng nhau đem đến cho người dùng Việt những sản phẩm tốt nhất, xây dựng hàng Việt Nam chất lượng cao và nâng tầm vị thế nước Việt trên trường quốc tế.

Theo : Kinhdoanhvaphattrien

Women Leader © Copyright 2024. Designed and Developed by MJU Media