Search Modal

Khóc cười chuyện “cái bao” (2): Đồ chơi thủa bé, bỡ ngỡ tuổi dậy thì và ám ảnh chiếc bao trong cặp sách

Những quả “bóng bay” miễn phí

Ngày còn nhỏ, bọn trẻ con thế hệ cuối 8x, đầu 9x chúng tôi rất khoái thổi những quả bóng… “có ti” vì những loại bóng này rất dày, không lo bị “châm kim” nhanh xịt. Đặc biệt, những quả bóng này còn được trưng dụng làm bóng nước để ném vào người nhau trong những buổi trưa trốn bố mẹ đi chơi.

Khoái hơn cả là loại bóng này lại chẳng mất tiền mua vì hầu như thời ấy, nhà nào cũng được mấy cô, mấy bác đến phát miễn phí. Khi ấy, chúng tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu xem họ phát làm gì mà chỉ quan tâm, khi nào họ lại đến phát tiếp để chúng tôi còn có đồ để chơi. Thời ấy cứ nghĩ, mấy người đi phát “bóng” thật là tốt bụng.

 Trước đây, bao cao su hay được trẻ con dùng để thổi bóng chơi. Ảnh minh họa

Trước đây, bao cao su hay được trẻ con dùng để thổi bóng chơi. Ảnh minh họa

Lớn lên một chút, khi chừng 10 – 12 tuổi, chúng tôi lại không được bố mẹ cho chơi bóng nữa. Câu giải thích cũng rất ngắn gọn: Đây không phải là đồ chơi của trẻ con.

Mãi đến tận sau này khi mạng Internet phát triển và tiếp xúc với những kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản được học trên lớp, chúng tôi mới sượng sùng nhận ra, thứ vẫn thường thổi làm bóng bay hay bơm nước vào để làm bóng ném nhau mỗi buổi trưa năm xưa lại chính là bao cao su dùng để tránh thai, kế hoạch hóa gia đình.

Đã có lúc chúng tôi còn quay sang trách móc bố mẹ, tại sao lại để chúng tôi nghịch thứ ấy. Quả thực, nó đâu phải là thứ đồ chơi của trẻ con...

Kể từ lúc ấy, cái nhìn về loại “bóng bay” này rẽ hẳn sang một hướng khác. Nghĩa là, nếu lúc nhỏ, chúng tôi vô tư cầm “bóng” chơi đùa cùng nhau thì đến khi “biết biết một tí”, chiếc bao lại là một điều gì đó khiến chúng tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhắc đến, thậm chí, tránh xa không dám động đến “thứ của nợ” ấy.

Ám ảnh chuyện “chiếc bao trong cặp sách”

Tôi có một cô bạn thân, ở cái tuổi dậy thì mới lớn, cô ấy đã bị một phen xấu hổ nhớ đời khi vô tình bị bạn trai cùng bàn phát hiện có bao cao su trong cặp sách. Ngay lập tức, cậu ta cầm chiếc bao và hét toáng lên như muốn nói cho cả thế giới rằng: Chúng mày ra đây mà xem, con Liên có thứ gì trong cặp này.

Khỏi phải nói, mọi ánh mắt nghi ngờ, tiếng dè bỉu, xì xào bắt đầu hướng đến cô bạn ấy cùng muôn vàn câu hỏi: "Con gái để bao cao su trong túi để làm gì?" Hay những câu suy diễn tương tự: "Chỉ có những đứa con gái hư hỏng mới để “thứ đó” trong cặp sách"

Đúng là ở thời điểm đó, việc học sinh có bao cao su trong cặp là chuyện khó có thể chấp nhận được. Cô bạn tôi thì không thể giải thích được tại sao lại có bao cao su ở trong cặp mình vì quả thật, chính cô cũng đang muốn tìm câu trả lời để minh oan cho chính mình. Cô ấy chỉ biết ôm cặp chạy thật nhanh ra khỏi lớp để trốn khỏi những thị phi đang bủa vây.

Việc cô bạn tôi mang bao trong cặp nhanh chóng đến tai bố mẹ cô. Và điều ngạc nhiên là, thay vì nghe con gái nói, bố mẹ cô lại cho rằng, con gái mình thật sự hư hỏng và đã làm chuyện “tày trời” đi quá giới hạn với một đứa con trai nào đó.

Một trận đòn cùng nhiều lời lẽ khó nghe đổ dồn lên đầu bạn ấy. Nhiều hôm liền sau đó, không ai thấy cô ấy xuất hiện trên lớp. Và cũng kể từ đó, bạn ít tiếp xúc với mọi người và sống khép kín hơn.

Mãi một thời gian dài sau đó, khi đứa em trai 4 tuổi vô tình hỏi: “Chị đã ăn kẹo em để ở trong cặp chưa? Em thấy mẹ giấu ở gầm giường nên lấy trộm. Em không ăn, em phần cho chị đấy”, bạn tôi mới ngớ người, hóa ra, sự thật về “chiếc bao trong cặp sách” lại nhạt nhẽo đến thế, chẳng hề ly kì như mọi người vẫn nghĩ.

Bao cao su dùng để... nhóm lửa

Đến bây giờ, bao cao su không còn quá xa lạ với chúng ta, nhất là đối với các cặp đôi trong độ tuổi sinh sản. Việc nhầm bao cao su là “bóng bay” hay kẹo chắc hẳn cũng còn rất ít trong cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, trong một vài chuyến công tác tại các tỉnh miền núi của nước ta, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nghe những câu chuyện tưởng chừng như chỉ có trên... phim.

Em có mấy cháu rồi? - Hai

Em có biết bao cao su là gì không? - Biết, các chị ấy (cán bộ dân số) hướng dẫn dùng và nói dùng để tránh thai.

Thế em có sử dụng bao cao su để tránh thai không? - (Lắc đầu)

Vợ chồng em có được phát bao cao su không? - Có

Tại sao em lại không dùng? – Em thấy vướng víu và ngại dùng.

Em không dùng, thế em để làm gì? - Em để... nhóm lửa.

Đây là một trong những đoạn hội thoại giữa chúng tôi với một em gái 15 tuổi sống tại Ea Súp (Đắk Lắk). Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng cô bé ấy đã gánh trên vai 2 đứa con nhỏ cùng bao lo toan trong cuộc sống. Điều đáng nói, dù được truyền thông nhưng những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đối với các em vẫn còn rất mơ hồ nên dẫn đến tình trạng "bao vẫn phát và con vẫn đẻ" là như vậy.

(còn nữa...)

Mai Thùy

Women Leader © Copyright 2024. Designed and Developed by MJU Media