(KDPT) – Cả thế giới trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong cơn lốc của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Công nghệ khiến cho quá trình toàn cầu hóa càng tăng tốc và trở nên mạnh mẽ, mang lại cơ hội phát triển và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Lúc này đây, biên giới vật chất đang dần trở nên mờ nhạt, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể giao thương phát triển ở những thị trường xa xôi như châu Phi, châu Mỹ chỉ bằng Internet, màn hình máy tính và những cú click chuột.
Góc nhìn và tâm thế của doanh nghiệp trẻ thời đại công nghệ 4.0
Từ ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam đã mở ra cơ hội rất lớn để doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Tuy nhiên chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt phải đối mặt trực tiếp với sự xâm lấn của hàng ngoại. Rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài đã nhanh chóng tận dụng cơ hội mới ồ ạt xâm lấn vào thị trường Việt Nam, nguy cơ đẩy doanh nghiệp Việt mất vị thế ngay trên thị trường nội địa.
Trong một vài năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta đã đạt rất nhiều con số ấn tượng, thậm chí chúng ta đã có một số thương hiệu có giá trị đã đạt tới tầm khu vực và châu lục như Vinamilk, Vingroup, FPT. Nhưng số lượng những thương hiệu như vậy ở Việt Nam còn rất hạn chế. Trên thế giới, đã có rất nhiều thương hiệu trăm tuổi đã trở thành di sản “heritage brand”, cùng với thời gian những thương hiệu này đã mang tầm vóc vĩ đại, thậm chí trở thành biểu tượng cho quốc gia sản sinh, ví dụ nói tới công nghệ là nói tới nước Mỹ với một loạt tên tuổi lớn như Apple, Google; nói tới đồng hồ là phải nhắc đến Thụy Sỹ, nói tới bia là phải kể đến nước Đức,…nhưng Việt Nam chúng ta chưa có mộ thương hiệu nào đạt tới tầm vóc di sản như vậy. Làm thế nào để chúng ta tạo ra những sản phẩm tốt, làm thế nào để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, làm thể nào để quảng bá hình ảnh sản phẩm thương hiệu của chúng ta tới đông đảo khách hàng, tạo ra những sản phẩm mang chất lượng toàn cầu. Đó chính là nỗi niềm trăn trở, tâm thế khát vọng của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ hiện nay.
Để mang sản phẩm tới tay người tiêu dùng, trong thời đại ngày nay không thể dùng phương thức truyền thống “hữu xạ tự nhiên hương” mà doanh nghiệp phải tìm kiếm những cách thức mới để phổ quát không chỉ sản phẩm mà còn cả thương hiệu doanh nghiệp ra thị trường. Thực tế mỗi địa phương của Việt Nam đều sở hữu những mặt hàng đặc sản với chất lượng rất tốt như vải Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên, gốm Chu Đậu, cam xoàn Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc…. chúng ta xuất khẩu hàng năm với sản lượng lớn nhưng ngay trên sân nhà, chúng ta lại chưa lấy được niềm tin của người tiêu dùng. Nguyên nhân của tình trạng này là các doanh nghiệp địa phương vẫn đang đầu tư theo phương pháp truyền thống là chăm chú vào chất lượng và giá trị sản phẩm nhưng chưa quan tâm, đẩy mạnh quảng bá, làm thương hiệu, truyền thông tới người tiêu dùng nội địa.
Trong thời đại công nghệ hiện nay, cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên khốc liệt, rất nhiều doanh nghiêp đều có thể cho ra đời những sản phẩm tương tự nhau. Vậy điểm khác biệt nằm ở chỗ, doanh nghiệp nào biết cách làm thương hiệu, doanh nghiệp nào biết cách truyền thông, doanh nghiệp nào biết cách tạo ra câu chuyện thương hiệu, thì doanh nghiệp đó sẽ thành công. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể vừa tạo ra một sản phẩm đủ tốt để cạnh tranh được với hàng ngoại nhưng đồng thời cũng kể câu chuyện về mình, lồng ghép trong đó yếu tố của dân tộc, yếu tố địa phương mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam không chỉ một sản phẩm tốt, một trải nghiệm tốt mà hơn hết thảy đó là lòng tự hào về sản phẩm địa phương, tự hào về sản phẩm dân tộc.
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là những DN trong lĩnh vực nông sản hoặc ngành nghề truyền thống, vẫn đang sử dụng một số hình thức cũ như chờ người đến thu mua, tiếp cận siêu thị, đẩy bán hàng lẻ …đã tiêu tốn của doanh nghiệp rất nhiều thời gian và công sức và thực tế những hình thức này đang ngày càng trở nên lạc hậu trong thời đại công nghệ. Ví dụ những mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, dứa…bán cho thương lái với giá rất rẻ mạt và lợi nhuận thương lái thường gấp 4,5 lần. Trong khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể trực tiếp tiếp xúc với người tiêu dùng thông qua việc sử dụng công nghệ, thương mại điện tử đang rất phổ biến, giúp rút ngắn khoảng cách từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng, thay thế hoàn toàn chuỗi kinh doanh truyền thống, tạo ra cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Với thời đại công nghệ 4.0 , các vấn đề này trở nên rất đơn giản với sự hỗ trợ của mạng xã hội, của công nghệ truyền thông hiện đại để nâng tầm thương hiệu Việt một cách nhanh chóng và tối ưu nhất. Thực tế hiện nay hàng Việt đang dần được đưa tới tay người tiêu dùng thông qua hình thức hiện đại như mạng xã hội, các trang thương mại điện tử, hội nhóm buôn bán…Truyền thông hiện nay đang chia thành 2 hình thức là truyền thông đại chúng và phi đại chúng. Với truyền thông đại chúng thường có chi phí vô cùng đắt đỏ, thường chỉ phù hợp với các thương hiệu với hệ thống phân phối mạnh, độ phủ thị trường rộng, thông thường là các sản phẩm tiêu dùng nhanh (FMCG) hay lựa chọn hình thức này. Còn đối với thương hiệu vừa và nhỏ, có tệp khách hàng khu trú hơn, việc dùng kênh đại chúng vừa tốn chi phí mà không mang lại hiệu quả cao. Vì thế đối với nhóm này, nên nghiên cứu và sử dụng kênh phi đại chúng như mạng xã hội, giúp doanh nghiệp có thể truyền tải ngay thông điệp tới nhóm khách hàng mục tiêu với chi phí hợp lý, cách thực hiện đơn giản, tiếp cận nhanh chóng mà vẫn đảm bảo mức độ lan tỏa cao.
Cần “sốc” lại phong cách làm việc
Vậy làm thế nào để các mặt hàng truyền thông, các sản phẩm địa phương của chúng ta đều được như Hồng Lam, như Vinamilk, theo tôi sẽ có những giải pháp trọng điểm về truyền thông quảng bá như sau:
- Đầu tiên, doanh nghiệp Việt phải là đảm bảo quy trình sản xuất, công nghệ, đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu. Chúng ta đã có những tấm gương sáng như nước mắm Vị Quê (Phú Quốc); Cà pháo mắm tôm (Công ty Ngọc Liên)… dù chỉ do DN nhỏ và vừa sản xuất nhưng đã đạt được kiểm soát chứng nhận của FDA vào Mỹ, được người tiêu dùng đón nhận. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc doanh nghiệp VN hoàn toàn có thể tạo ra được những sản phẩm tiêu chuẩn thế giới. Chỉ cần chúng ta đầu tư nghiêm túc, tìm kiểu kỹ thị trường, chúng ta có đủ công cụ để thực hiện.
- Tiếp theo chính là thay đổi mẫu mã bao bì. Có một vấn đề khi làm truyền thông mà các DN nên lưu ý, đó là sản phẩm tốt và sản phẩm khiến cho khách hàng “cảm thấy tốt”. Có rất nhiều sản phẩm Việt (như thuốc đông y, thuốc do Việt Nam sản xuất) thực sự chất lượng rất tốt nhưng người tiêu dùng lại “không cảm thấy tốt”, hay mọi người vẫn nói người Việt có tâm lý “sính ngoại” chính là điểm này. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về tâm lý khách hàng, tìm ra được điều mà khách hàng thực sự mong muốn. Khi khách hàng đứng trước rất nhiều lựa chọn, điều đầu tiên họ sẽ lựa chọn thương hiệu mà nhiều người biết đến và sử dụng, và tiếp theo, họ sẽ lựa chọn thương hiệu mà mang lại cho họ trải nghiệm “cảm thấy là tốt”.
- Thứ hai, cần kêu gọi, kết hợp giữa người dùng và doanh nghiệp cùng nhau phổ cập nâng cao vị thế hàng việt qua kênh người dân online nhiều nhất: Facebook, google, báo mạng, website, mua hàng trực tuyến. Nên chăng các trang mua sắm lớn như Tiki, Lazada, Shopee có chiến dịch tháng hành động dành riêng cho hàng Việt với mức hỗ trợ tối đa để đẩy sản phẩm.
- Thứ ba, Các doanh nghiệp chung tay triển khai 1 cổng thông tin chính thức về cập nhật các đặc sản, nông sản, là sân chơi chung cho các địa phương quảng bá sản phẩm của mình, cũng là nơi để người tiêu dùng có được các thông tin chính thống về sản phẩm, giá thành, thương hiệu cung cấp. Từ đó, hình thành các hệ sinh thái TMĐT, kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, thay thế hoàn toàn chuỗi kinh doanh truyền thống, tạo ra cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta đã có sản phẩm tốt, nếu kết hợp với phương pháp marketing tốt, chắc chắn giá trị thương hiệu của chúng ta sẽ được tăng lên. Khi muốn phát triển bền vững, các sản phẩm phải có thương hiệu. Đó là con đường bền vững lâu dài. Quá trình xây dựng thương hiệu là quá trình đầu tư chứ không phải chi phí. Dù giải pháp truyền thống hay hiện đại, tôi tin rằng chỉ cần chúng ta có niềm tin thực sự thì chúng ta đều có thể chung tay góp sức xây dựng nên những thương hiệu Việt vươn tầm quốc tế.
Với tâm thế doanh nhân trẻ, đặc biệt là doanh nghiệp đang phát triển trong mảng truyền thông, tôi cũng như nhiều doanh nhân khác luôn mang trong mình một tâm thế, khát vọng xây dựng thương hiệu Việt với những sản phẩm mang chất lượng toàn cầu. Có một thực tế là các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng quá tập trung cho thị trường nước ngoài mà bỏ ngỏ thị trường trong nước. Còn các DN nước ngoài thì đang tận dụng cơ hội này để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ví dụ trái cây trong nước nhiều loại phải bán tháo, giải cứu, còn các loại trái cây nhập ngoại với giá cao gấp nhiều lần nhưng vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Theo đánh giá, thị trường nội địa có tiềm năng rất lớn bởi dân số đông, gần 97 triệu người và hơn 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. trước bối cảnh xuất khẩu Việt Nam đang phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh vì các hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật thì việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa là hướng đi đúng đắn mà doanh nghiệp cần chú trọng.
Các doanh nghiệp truyền thông, công nghệ như MJU Group có thể hỗ trợ, chung tay với rất nhiều doanh nhân Việt để cùng nhau cải tiến sản phẩm, nâng tầm thương hiệu Việt để hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng thế giới. Với thời đại thông tin phổ cập, công nghệ mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng như hiện nay, các doanh nhân trẻ hãy cùng nhau tạo ra những thương hiệu trăm tuổi, những di sản thương hiệu của Việt Nam.
Đỗ Hương Ly – Chủ tịch công ty kinh tế đa ngành MJU group
Theo : Kinhdoanhphattrien