Tôi là vợ sau của anh, có cưới hỏi đàng hoàng. Vẫn biết anh đã qua một đời vợ, đã có con riêng nhưng tôi vẫn chấp nhận tất cả. Vậy mà có những nỗi niềm mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Tới bữa cơm, dù tôi cố gắng nấu thế nào, mẹ chồng vẫn hay bâng quơ:
- Cá này mà cay chút nữa là ngon lắm! Hồi đó con Hoa luôn biết ý mẹ…
Chồng tôi cau mày thì mẹ liền vội vàng:
- Con Hân đừng buồn nhé, mẹ lỡ lời thôi.
- Dạ, không có gì đâu mẹ, tại con là dâu mới chưa hiểu ý mẹ, lần sau con sẽ kho cá cay hơn.
Khi tôi châm trà, cha chồng không nói gì nhưng uống hết bình thì nói trống:
- Trà gì lợt nhách hà! Hồi đó đó…
Ảnh minh họa |
Tôi biết cha mẹ chồng đang nhớ về con dâu trước, cũng là người mà cha mẹ chọn cho anh, con của một người bạn cũ. Họ sống với nhau cũng khá êm đềm, nhưng quan trọng nhất là chị ấy luôn làm vừa lòng cha mẹ chồng từ miếng ăn giấc ngủ tới mọi đối nhân xử thế.
Chỉ là sau tám năm chung sống… đùng một phát chị đòi ly hôn. Thì ra trước đây chị bị người yêu phụ bỏ nên mới lấy chồng. Bây giờ anh ta trở lại với cơ ngơi tài sản to lớn và năn nỉ chị làm lại từ đầu nên chị chia tay chồng để trở về với tình cũ.
Chồng tôi bảo, dù đau đớn bởi sự chia tay “lãng òm” nhưng khi chị bảo thật ra tám năm nay chị không hề yêu anh, chỉ sống cho phải đạo làm vợ thì không còn lý do gì để anh níu kéo. Đứa con trai 5 tuổi, chị để lại cho chồng, tài sản cùng gầy dựng bao năm cũng không yêu cầu tòa chia một khoản nào.
Cuộc chia tay của họ êm thấm đến không ngờ và anh phải mất ba năm mới bình tĩnh được và quen rồi yêu thương và cưới tôi - vốn là cô giáo mẫu giáo của con anh.
Nghề nghiệp của một cô giáo mầm non khiến tôi dễ dàng “lấy lòng” con chồng và bé cũng mến yêu tôi thật sự. Chỉ có cha mẹ chồng là không biết bao giờ ông bà mới chấp nhận tôi.
Ảnh minh họa. |
Hôm ấy, sau năm ngày cha mẹ chồng về quê ăn cưới. Tôi đã mạnh dạn thay bộ rèm cửa mới cùng tông màu với bộ cũ vì bộ rèm cũ đã quá xấu mà còn rách. Những tưởng về mẹ sẽ rất vui và cảm ơn con dâu chu đáo. Nhưng thật bất ngờ, sau một ngày đi làm mệt nhọc, vừa bước vào nhà đã bị mẹ hầm hầm:
- Ai cho cô thay bộ rèm của tôi? Cô định làm chủ nhà này hả? Đừng có mơ nhé! Dù thằng Hiếu là con trai một nhưng tài sản này cũng không tới lượt cô làm chủ đâu!
Tôi… á khẩu. May mà chồng vừa về tới, anh đỡ lời:
- Có gì mà mẹ to tiếng cho mệt vậy ạ? Chẳng qua vợ con tốt ý thôi mà. Rèm mới trông đẹp hơn chứ ạ?
- Con mà biết cái gì? Nay nó thay bộ rèm, mai nó thay sa-lông, mốt thay màu tường và thay luôn tên chủ tài sản của căn nhà này luôn hả?
- Mẹ nói gì ghê vậy? À mà có vậy cũng không sao… giờ con là tài sản, cô ấy là chủ tài sản cả bản thân con rồi đó!
- Cái thằng này…
- Mẹ à… thật ra là vợ con đã học thêm nghề may rèm. Bộ đầu tiên quý giá cực công lắm, nhưng cô ấy muốn làm quà tặng mẹ… sao mẹ nỡ nặng lời như thế…
Tôi đã rút vào bếp sau khi chồng về nhưng vẫn để tai nghe câu chuyện nhà trước. Thì ra mẹ tôi quý bộ rèm cũ bởi đó là quà sinh nhật của con dâu trước kia tặng bà. Chồng tôi phá lên cười:
- Thì mẹ cứ xem như bộ rèm này con dâu đương nhiệm tặng mẹ đi! Mẹ cứ quý như vậy cho vợ con vui nhé!
Không nghe mẹ nói nữa, có lẽ là bà đã nguôi rồi. Nhưng nỗi niềm uất ức cứ dâng ngập lòng tôi. Nào tôi có ý chiếm đoạt tài sản như lời bà nói chứ! Sao mỗi việc tôi làm, mẹ chồng đều nghĩ theo hướng tiêu cực vậy?
Bà có biết tôi đã bao phen may đi may lại, đứt bao nhiêu mối chỉ, kim đâm vào tay mấy nhiêu lần mới may xong bộ rèm này không? Tại sao tôi phải học thêm công việc may rèm? Vì tôi muốn kiếm thêm thu nhập, bởi cha mẹ già, lương hưu chả là bao, có thêm công việc, dù chỉ là làm vào ngày nghỉ nhưng tôi cũng kiếm được ít nhiều để phòng hờ cho gia đình khi trái gió trở trời.
Vậy mà… nỗi niềm "dâu sau" này ai thấu?
Bảo Hân