Mấy tháng trước tết ba chồng tôi ốm nằm viện. Ông bị đột qụy. Cũng may hôm đó tôi đi làm muộn, vừa từ trên lầu xuống phòng khách, đã thấy những bước chân ba lảo đảo khác thường. Mẹ chồng tôi đi chợ từ sớm, nhà vắng hoe... Những ngày đầu nhìn ông nằm trên giường bệnh trắng toát mà thương. Cả một đời lăn lộn, người đàn ông sức vóc nhường ấy cũng có lúc trở nên yếu đuối, bất lực với chính sức khỏe của mình. Mẹ chồng tôi thương ba, nước mắt ngắn dài. Chồng tôi tháng cuối năm vô cùng bận, việc chăm sóc người ốm lại lóng ngóng vụng về, nên chủ yếu chạy ra chạy vào bệnh viện chăm lo cho ba chỉ có tôi và mẹ.
Hai cô em chồng nghe tin chạy tới, nhưng còn gia đình riêng, còn công việc, còn cả cái mớ lí thuyết mà cô ba nói riêng với tôi: “Ba mẹ vun vén hết cho anh chị, nên việc chăm sóc ba già mẹ héo, anh chị chủ động...” Nghe mà thật buồn lòng. Tôi đâu phải con người nặng về vật chất. Ba mẹ chồng tôi cũng đã chăm lo, tạo dựng cho cả hai cô con gái nên người đàng hoàng mà, mỗi cô về nhà chồng, ông bà cũng cho của hồi môn đâu có ít. Vậy mà... Tôi nghĩ đó là tình cảm, là trách nhiệm của các con chứ tôi cũng đâu đã lên tiếng cậy nhờ hai cô về chăm ba? Mỗi lúc nghĩ như thế tôi lại thấy rầu ruột, thở dài một cái rồi lại tất tả chạy đi lo cái này cái kia. Thời gian đâu mà nghĩ ngợi nhiều đến thế?
Ảnh minh họa |
Tôi xin nghỉ việc không lương. Cận kề tết thuê người đâu có dễ. Hơn nữa, lúc ốm đau mới cần người thân, nhất là đó là cha mẹ già. Ba chồng tôi xuất viện, nhưng là để tập vật lí trị liệu. Hàng ngày vẫn có bác sĩ đến nhà thăm khám, kiểm tra và hướng dẫn. Tôi cũng theo sát để học, đặng còn giúp ba tập cho đúng. Hai đứa con nhỏ, thêm một người bệnh thực sự là tôi và mẹ chồng có lúc cũng thấy đuối, nhưng biết than ai? Có hôm ba lò dò được vài bước rồi khuỵu xuống ngay cửa, cô thứ hai đến đỡ ba lên la lối um sùm. Rồi nó lại thấy có mùi khai khai do bọn trẻ mải chơi tè dầm... Vậy là cô nhăn nhó, bịt mũi kêu nhà cửa mất vệ sinh quá, rằng thế này không ốm thì sao? Rằng lương hưu của ba đâu sao không thuê giúp việc? Rằng... mẹ chồng tôi đi chợ về nghe nó dằn hắt mà đánh rơi cả bịch thức ăn trên tay.
Ba tôi chịu khó tập luyện nên bình phục khá nhanh, những bước chân của ông lanh lợi dần lên. Tiếng nói cũng dần tròn trĩnh, không méo mó tiếng được tiếng không nữa. Khỏi nói cả nhà ai cũng phấn khởi vô cùng. Tôi bảo mẹ chồng: “Nhà mình phải ăn tết thật to mừng ba bình phục...” mẹ chỉ cười nhẹ. Mẹ chồng tôi là vậy, hiền hậu và thương con. Tôi lo sắm tết, trang hoàng nhà cửa. Hai em cô về ngó ngược ngó xuôi xem tôi làm những gì, có thiếu gì với gia tiên, ông bà không. Tôi biết chứ, nhưng cười xòa, thôi kệ, bao năm nay các cô vẫn vậy, thì giờ tôi kệ thêm lần nữa có sao...
Ảnh minh họa |
Tết rồi cũng đến, mọi việc êm xuôi. Ba tôi chồng hồ hởi lắm, chưa bao giờ tôi thấy ông cởi mở như thế. Có lẽ qua cơn bạo bệnh cha trân quí hơn giá trị của tình thân, gia đình. Thế nhưng đùng cái tôi nhận được tin mẹ đẻ tôi bị ngã... Quê tôi tận ngoài Bắc xa lắc lơ. Lâu lắm tôi cũng chưa về thăm nhà. Dù anh trai tôi nói qua điện thoại rằng mẹ gãy tay, người không sao... mà nước mắt tôi cứ trào ra. Đúng là con gái lấy chồng xa, thương là thương để đó, chứ dễ gì chạy ngay về với mẹ... Mỗi ngày tôi đành nghe mẹ động viên ngược rằng mẹ không sao, vài hôm là ổn...
Rồi bất ngờ, đúng ngày mùng ba vừa cúng tiễn ông bà xong, ba chồng gọi vợ chồng tôi xuống phòng, gương mặt ba rạng rỡ: “Ba tặng cái này cho vợ chồng con, chiều mai thu xếp ra ngoại ăn tết, thăm ngoại bọn trẻ luôn..."
Ba đưa ra cặp vé khứ hồi đi về Sài Gòn - Hà Nội. Tôi cảm động đến lặng người. Món quà đầu xuân của ba chồng, còn hơn giá trị là tấm vé thông thường. Nó là món quà của ân tình, thương yêu. Tết này tôi đã được về với mẹ...
Đinh Hương