Search Modal

Tôi sẽ về nhà đón giao thừa và gọi hai tiếng 'mẹ ơi!'

Lũ bạn ác mồm còn đọc đi đọc lại câu vè “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ có thương con chồng” mỗi khi tôi đi ngang qua. Tuổi thơ non dại có biết đâu là sai, là đúng, chỉ thấy người đời trêu cợt rồi lo sợ. 

Cô Hải, mẹ kế của tôi, là công nhân cùng làm việc ở mỏ than với bố, đã có một đời chồng nhưng chồng bỏ đi theo người khác khi chưa có con cái gì. Trước đó cũng vài lần cô đến nhà chơi, khi ấy tôi hồn nhiên chào đón vì cô rất tình cảm và hiền lành, lần nào đến cũng mang cho tôi sách truyện. Nhưng từ khi biết cô ấy sẽ thành mẹ kế của mình, tôi thay đổi hoàn toàn thái độ. Hễ cô đến là tôi vùng vằng, bỏ cơm, trốn vào góc nhà ngồi một mình, có khi còn khóc vì nhớ mẹ. 

Bố tôi buồn khi tôi tỏ ra khó chịu với cô, có lần bố đã vung tay định đánh khi tôi hất văng món quà cô mang đến, nhưng cô ngăn lại. Dù tôi tỏ ra thù địch như vậy nhưng bố và cô vẫn đến với nhau sau bữa tiệc nhỏ là mấy mâm cơm mời họ hàng làng xóm. Hôm ấy, tôi đi bộ mấy cây số về nhà bà ngoại, vừa đi vừa khóc nức nở. 

Toi se ve nha don giao thua va goi hai tieng 'me oi!'
Tôi bị ám ảnh và sợ hãi trước những lời trêu ghẹo ác ý xung quanh đến nỗi luôn tỏ ra lạnh nhạt và xa cách với mẹ kế. Ảnh minh họa.

Cuộc sống chung sau đó chẳng hề giống hàng xóm gièm pha. Tôi vẫn gọi cô Hải là cô và thường nói trống không dù bố bắt tôi gọi cô là mẹ. Dù tôi lạnh nhạt thế nào, cô vẫn ân cần với tôi hết mực, cả những lúc bố không ở nhà cũng vậy. Cô hỏi bố về những món ăn tôi thích, mua cho tôi những cuốn truyện mà tôi mơ ước, may cho tôi những bộ quần áo mới rất đẹp. Nhưng cô biết tôi không thích nhận gì của cô nên luôn đưa cho bố làm như đó là quà bố tặng tôi. 

Nhưng tôi vẫn tỏ ra xa cách với cô, một phần vì tôi cảm thấy có lỗi với mẹ, tôi rất sợ mẹ buồn và tủi thân khi biết tôi gọi người khác là mẹ, vui vẻ thân thiết với người khác trong khi mẹ phải lìa xa tôi từ khi tôi còn quá nhỏ. Tôi nhớ có lần bố mua cho cô chiếc áo rất đẹp, tôi lén lấy kéo cắt khi không có ai ở nhà. Tối đó về cô thấy và khóc một mình, nhưng về sau khi bố hỏi sao không mặc, cô bảo cô đã tặng em gái. 

Cô biết tôi mê đọc sách nhưng không chịu mở lòng với cô nên những gì muốn chỉ dạy tôi, cô đều nhờ sách. Năm tôi học lớp tám, cô nhờ bố đưa cho tôi cuốn sách nói về chuyện dậy thì. Cả chuyện giới tính, tình yêu tuổi mới lớn, cô cũng chỉ dạy tôi qua những cuốn báo tuổi học trò cô nhờ người cầm từ thành phố về cho tôi. Nhờ đó, tôi không bỡ ngỡ trước chu kỳ đầu tiên, không quá hoang mang khi thấy mình “rung rinh” trước những cái chạm tay của cậu bạn cùng lớp. 

Toi se ve nha don giao thua va goi hai tieng 'me oi!'
Cô luôn nấu những món tôi thích, may cho tôi quần áo đẹp, mua sách truyện cho tôi, nhưng đổi lại tôi luôn tỏ ra thờ ơ hoặc khó chịu. Ảnh minh họa

Tôi vào cấp ba, đi học trường chuyên của huyện, hai tuần mới về thăm nhà một lần. Mỗi lần tôi về, cô vui ra mặt dù tôi kiệm lời hết sức. Cô làm ruốc thịt, ruốc cá, muối vừng, mua bánh kẹo cho tôi mang theo từng bịch lớn nhỏ. Cô tự mình dắt chiếc xe đạp của tôi ra chỗ sửa xe nhờ người ta cân vành, chỉnh phanh lại cho chắc chắn. Mỗi lần tôi đi, ánh mắt cô nhìn theo vừa buồn vừa hụt hẫng, nhưng tôi tỏ ra thờ ơ như không thấy và nhủ thầm “Chẳng phải con cái ruột thịt thì có gì mà buồn? Chỉ là diễn cho bố thấy thôi”. 

Tôi thi đậu đại học cũng là lúc bố bị tai nạn lao động trong mỏ than. Tai nạn không chết người nhưng bố không thể làm việc nặng như trước nữa. Đồng lương hưu sớm còm cõi của bố chẳng thể nào lo cho tôi hết bốn năm đại học. Tôi khóc vì thương bố, cũng vì thương mình. Tôi quyết định bỏ học, đi làm công nhân ở xưởng làm đế giày gần nhà, vừa để tự nuôi mình vừa phụ giúp bố. 

Lần đầu tiên tôi thấy cô giận dữ và phản ứng với quyết định của tôi. Cô bảo tôi không được phép bỏ học. Chuyện chăm sóc bố và tiền học của tôi, cô sẽ lo được. Tôi vẫn nhất quyết không đồng ý vì không muốn “mang ơn” mẹ ghẻ. Cô khóc, nói nếu tôi thực sự thương bố mẹ mình thì phải học cho giỏi để sau này sống mở mày mở mặt, không vất vả như bố mẹ. 

Toi se ve nha don giao thua va goi hai tieng 'me oi!'
Cô làm việc nhiều năm ở mỏ than, công việc cực nhọc ngay cả đối với đàn ông, cũng vì muốn lo cho tôi học hành đến nơi đến chốn. Ảnh minh họa

Vào đại học, tôi làm thêm đủ mọi việc, từ phát tờ rơi, phụ rửa bát quán cơm đến bán shop quần áo, dạy gia sư. Dần dần tôi tự lo được cả tiền sinh hoạt và học phí cho mình, nhưng đều đặn mỗi tháng cô vẫn gửi tiền lên cho tôi dù tôi bảo không cần gửi nữa. Cô vừa chăm bố tôi vừa đi làm ở mỏ than nên già rất nhanh, tóc bạc nhiều dù chưa tới tuổi 50.

Có lần cô gọi cho tôi, nghe giọng biết tôi ốm, cô bắt xe lên thành phố thăm tôi. Nhìn dáng gầy gầy của cô tất tả xách theo nào bánh đa, ruốc, muối vừng, tôi bất giác thấy cay khóe mắt. Trong thâm tâm tôi biết mình ích kỷ với cô, nhưng tôi vẫn chưa từng mở lòng gọi cô bằng tiếng “mẹ”. 

Mấy hôm trước, bố gọi cho tôi hỏi hôm nào về nghỉ tết. Giữa chừng, bố bỗng hỏi tôi: “Con có biết vì sao bố và cô Hải không sinh thêm con không?”. Tôi giật mình vì chưa từng nghĩ tới điều này. Bố bảo, ngày ấy lấy nhau khá lâu mà hai người vẫn không thể có con. Đi khám mới biết bố tôi bị suy giảm chất lượng tinh trùng, cần theo phác đồ điều trị khá lâu dài và tốn kém. Bố tôi muốn làm để cô Hải được làm mẹ nhưng cô ngăn lại. Cô bảo, kinh tế gia đình đang khó khăn, hơn nữa cô sợ sinh thêm con tôi sẽ càng chống đối. Cô sợ tôi bị ảnh hưởng đến tinh thần và tính cách sau này.

Toi se ve nha don giao thua va goi hai tieng 'me oi!'
Tôi tự nhủ tết này sẽ về ôm mẹ và gọi mẹ bằng hai tiếng "Mẹ ơi" bấy lâu nay chưa dám nói. Ảnh minh họa

Bố còn bảo, mỗi năm lúc giao thừa tôi đều bỏ đi chơi cùng lũ bạn trong xóm, chưa một lần ở nhà đón giao thừa cùng bố và cô. Cô không nói ra nhưng lần nào đến giao thừa cũng ngóng ra cổng xem tôi có về không. Tôi nghe từng lời của bố mà nước mắt chan chứa. Tự nhủ lòng, tết này nhất định con sẽ về xin mẹ tha thứ, để được mẹ ôm vào lòng và gọi mẹ bằng hai tiếng “Mẹ ơi!” con còn nợ suốt những tháng năm qua.

B.Y.

Tags:
Women Leader © Copyright 2024. Designed and Developed by MJU Media